menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lúa mì có thể hồi phục trở lại vùng kháng cự tâm lí 600

16:43 13/09/2023

Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/09, giá lúa mì chỉ giằng co nhẹ sau phiên hồi phục mạnh do tác động từ báo cáo Cung – cầu tối qua. Sau chuỗi liên tiếp suy yếu trong vài tháng qua chủ yếu do những thông tin liên quan tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở Biển Đen, thị trường lúa mì đang đón nhận những tín hiệu “bullish” đến từ nguồn cung ở các nước sản xuất lớn.
 
Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng lúa mì của Canada cho niên vụ 2023/24 ở mức 31,0 triệu tấn, giảm 6% so với tháng trước và 10% so với năm ngoái. Mức giảm này đến từ thiệt hại về năng suất do tình trạng khô hạn diễn ra phổ biến ở vùng thảo nguyên Canada trong suốt tháng 7 quan trọng với mùa vụ.
Ngoài ra, tình hình thời tiết bất lợi còn diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ lúa mì của Australia. Sản lượng lúa mì của nước này niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 26,0 triệu tấn, giảm 3,0 triệu tấn so với tháng trước và 13,7 triệu tấn so với kỷ lục của năm ngoái. Triển vọng lúa mì của Australia giảm chậm nhưng đều đặn trong suốt mùa vụ sau đợt khô hạn nghiêm trọng bất đầu từ tháng 5. Những cơn mưa thuận lợi đã quay trở lại vào tháng 6 đối với hầu hết các vùng trồng trọt, tuy nhiên, tháng 7 và tháng 8 lại khô hạn bất thường. Cây trồng mùa đông, bao gồm cả lúa mì, bắt đầu ra hoa hoặc bước vào giai đoạn sinh sản vào cuối tháng 8 tại các bang sản xuất chính. Độ ẩm của đất giảm bắt đầu gây căng thẳng cho cây trồng trong giai đoạn quan trọng này.
Ngược lại, mức gia tăng đến từ mùa vụ của Ukraine đã bù đắp phần nào thiệt hại đến từ Canada, Australia và Argentina. Tuy nhiên, tồn kho lúa mì toàn cầu niên vụ 23/24 vẫn đạt mức thấp nhất 15/16. Số liệu sản lượng từ Ukraine tăng lên không thể bù đắp mức giảm mạnh của các nước sản xuất lớn khác nên trong kịch bản xuất khẩu ở Biển Đen được nối lại trong thời gian tới thì lo ngại về nguồn cung vẫn duy trì.

Giá kim loại quý có thể gặp áp lực trước dữ liệu lạm phát Mỹ
Thị trường kim loại quý chịu nhiều sức ép trước đà tăng của đồng USD trong phiên sáng, khiến chi phí nắm giữ trở nên đắt đỏ hơn so với các đồng tiền thương mại khác.
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) vừa công bố chiều nay cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong tháng 7/2023 đã giảm 0,5% so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất trong 7 tháng, đồng thời giảm mạnh hơn so với mức dự báo giảm 0,2% của các chuyên gia kinh tế và mức tăng trưởng 0,5% trong tháng 6/2023. Điều này cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang bị cản trở bởi áp lực chi phí vay tăng cao, khiến đồng bảng Anh lao dốc. Sự suy yếu của đồng bảng Anh có thể hỗ trợ đồng USD phục hồi, đè nặng giá kim loại quý.
Tâm điểm của thị trường hôm nay là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ. Việc giá dầu liên tục chinh phục các mức đỉnh mới trong thời gian gần đây đã đẩy giá xăng tăng cao, đạt đỉnh 3,984 USD/gallon vào tuần thứ 3 của tháng 8, cao hơn nhiều so với mức 3,676 USD/gallon trong cùng kỳ tháng 7, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Giá năng lượng tăng cao có thể đẩy lạm phát tổng thể tăng, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ trong thời gian dài. Đồng USD có thể sẽ được hưởng lợi và khiến giá kim loại quý gặp áp lực.
Trước đó, tại hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cũng đã nhấn mạnh về khả năng lãi suất có thể duy trì ở mức cao nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Thị trường hiện đang kỳ vọng CPI của Mỹ trong tháng 8 sẽ tăng lên 0,6% so với tháng trước và 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng trưởng lần lượt là 0,2% và 3,2% trong tháng 7.

Giá cà phê có thể giằng co khi chưa có thông tin cơ bản đột phá
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9, giá cả 2 mặt hàng cà phê đều có sự suy yếu khi tồn kho cho tín hiệu tích cực. Cụ thể, tồn kho trên Sở ICE-US nhận được lượng hàng bổ sung hơn 18.000 bao từ Brazil và tồn kho tại Sở ICE-EU tăng thêm 490 tấn lên 35.770 tấn trong báo cáo cuối phiên 11/9, giúp thị trường thêm phần an tâm về nguồn cung trên thị trường.
Trong phiên tối nay, toàn thị trường đón nhận thông tin quan trọng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ảnh hưởng đến đồng USD đang ở mức cao nhất trong 6 tháng qua. Đồng USD ở mức cao trong khi Brazil dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, có thể khiến chênh lệch tỷ giá giữa 2 đồng tiền gia tăng. Điều này giúp kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil nhờ thu về nhiều nội tệ hơn.
Số cà phê Arabica chờ phân loại trên Sở ICE-US tăng từ 18.520 bao lên 19.820 bao khi kết thúc phiên 12/9. Thông tin này giúp gia tăng kỳ vọng dữ liệu tồn kho tại đây sẽ sớm trở lại đà tăng và góp phần ổn định nguồn cung trên thị trường. Đặc biệt, tổng lượng cà phê lưu trữ trên Sở ICE-US đóng cửa phiên hôm qua chỉ giảm nhẹ 5 bao, về mức 442.548 bao.

Giá dầu phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng sau báo cáo của OPEC
Phiên tối qua sau báo cáo của OPEC và EIA giá dầu đã đảo chiều tăng mạnh vượt qua ngưỡng kháng cự đã xác lập từ tuần trước, thể hiện lực mua đang chiếm ưu thế hơn.
Cụ thể, Quan điểm của OPEC vẫn cho thấy thị trường sẽ ở trạng thái thâm hụt trong 2 quý cuối năm với mức ước tính gần 1,78 triệu thùng/ngày trong quý III. OPEC sẽ cần phải bơm 29,23 triệu thùng/ngày trong quý III để có thể cân bằng thị trường, cao hơn sản lượng của nhóm hiện tại khoảng 1,78 triệu thùng/ngày, trong khi con số này trong quý IV là 30,71 triệu thùng/ngày, tương đương mức thâm hụt 3 triệu thùng/ngày.
EIA trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 9 cho biết thị trường sẽ thâm hụt khoảng 580.000 thùng dầu/ngày trong quý III và 240.000 thùng dầu/ngày trong quý IV.
Các tổ chức dự báo thâm hụt sản lượng trong giai đoạn cuối năm đang là thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu hiện tại, mặc dù có nhiều lo ngại giai đoạn cuối năm nhu cầu sẽ sụt giảm nhưng việc các quốc gia OPEC+ cắt giảm sản lượng đang là yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng cao trong thời gian qua.
Trong phiên hôm nay thị trường sẽ chờ đợi số liệu báo cáo lạm phát của Mỹ để đánh giá những tác động của giá dầu lên kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để thị trường kỳ vọng vào việc FED có tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thắt chặt trong giai đoạn cuối năm nay.
Theo công cụ CME FedWatch, lãi suất cao hơn làm lu mờ sức hấp dẫn của tài sản không mang lãi suất như vàng, khi các nhà giao dịch đặt cược vào khoảng 47% khả năng tăng lãi suất vào tháng 11 sau khi Fed được dự đoán tạm dừng thắt chặt vào tuần tới. 

 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)