menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường lúa gạo thế giới tháng 12/2018: Giá gạo Ấn Độ tăng, gạo Việt Nam giảm

09:00 31/01/2019

Vinanet -Tháng 12/2018, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng, trong khi gạo Thái Lan vững, còn gạo Việt Nam giảm. Chính sách tăng giá thu mua lúa gạo trong nước tác động đến thị trường gạo Ấn Độ, trong khi Trung Quốc siết quy định nhập khẩu gạo ảnh hưởng tới xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ biến động thất thường trong tháng 12/2018. Tuần cuối tháng 11/2018 và tuần đầu tháng 12/2018 giá giảm do Chính phủ thông báo trợ cấp cho xuất khẩu gạo trong khoảng thời gian 4 tháng, giữa lúc nhu cầu yếu, nguồn cung tăng theo tiến độ thu hoạch và đồng rupee trượt giá so với USD. Tuy nhiên, trong tuần thứ 3 của tháng 12/2018, giá đảo chiều tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng. Lý do bởi giá trên thị trường nội địa tăng vì một số địa phương nâng giá thu mua lúa gạo vụ mới theo chỉ đạo của Chính phủ. Tính chung trong tháng 12, loại đồ 5% tấm tăng khoảng 7 USD/tấn, từ mức 366-370 USD/tấn lên 375 - 382 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 7/9/2018. Mặc dù tăng, gạo Ấn Độ vẫn tiếp tục rẻ hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ giai đoạn tháng 4-9/2018 giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 5,8 triệu tấn, chủ yếu bởi nước láng giềng Bangladesh và Iran giảm mua. Xuất khẩu loại non-basmati trong giai đoạn kể trên giảm 13% xuống 3,72 triệu tấn, còn loại basmati giảm 2,4% xuống 2,08 triệu tấn. Trị giá xuất khẩu gạo non-basmati cũng giảm 12%, song loại basmati tăng 6%.
Ngày 22/11/2018, Bộ Thương mại Ấn Độ thông báo Chính phủ sẽ trợ cấp 5% cho xuất khẩu gạo non-basmati trong vòng 4 tháng (từ nay tới 25/3/2019).
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tương đối vững. Cuối tháng 12/2018 loại 5% tấm xuất khẩu ở mức 390 - 391 USD/tấn (FOB Bangkok) so với 380-397 USD/tấn cuối tháng 11/2018. Các thương gia Thái Lan nhận định đây là mức giá hợp lý. Như vậy, sau nhiều tháng thấp hơn so với gạo Việt Nam, gạo Thái Lan hiện trở lại vị trí đắt nhất trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam).
Tuy nhiên, vì đang kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới nên thị trường trầm lắng. Một số nhà xuất khẩu vẫn đang đưa tin về khả năng có thể đạt được thỏa thuận với các thị trường như Nhật Bản và Indonesia, nhưng cho đến nay mọi thứ chỉ là đồn đoán, và có thể đến tháng 1/2019 vẫn sẽ chưa có gì mới. Ngoài đơn đặt hàng mới từ Philippines (khối lượng không nhiều), các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến không có bất các đơn hàng lớn khác cho đến đầu năm 2019.
Xuất khẩu gạo Thái Lan 10 tháng đầu năm 2018 đạt 8,9 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD. Xuất khẩu gạo trong cả năm 2018 dự kiến đạt 10,8 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2017 do giảm lượng gạo thơm và gạo đồ, trong khi xuất khẩu gạo trắng lại tăng.
Trong năm vừa qua, Bộ Thương mại Thái Lan giám sát chặt chẽ biến động giá nông sản để kịp thời đưa ra các biện pháp đặc biệt nhằm duy trì giá nông sản cho tới cuối năm. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong chính sách “Từ địa phương tới toàn cầu” để thúc đẩy bán nông sản, trọng tâm là các mặt hàng đang đối mặt với việc dư thừa nguồn cung, trong đó có gạo. Cục Nội thương liên kết dữ liệu với Cục Phát triển doanh nghiệp Thái Lan để phân tích sâu hơn về nhu cầu sản phẩm của thị trường nội địa, trong khi Cục Thương mại quốc tế hỗ trợ bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài để giải quyết dứt điểm vấn đề dư thừa nguồn cung trong mùa thu hoạch. Bộ Thương mại cũng hướng tới các kênh bán hàng trực tuyến trên trang mạng và ứng dụng điện thoại.
Giá gạo Việt Nam liên tiếp giảm trong 5 tuần cuối năm 2018 do nhu cầu yếu và lo ngại xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn nữa do những quy định khắt khe từ nước bạn. Tính chung trong tháng 12/2018, loại 5% tấm xuất khẩu giảm từ 408 USD/tấn xuống 385 USD/tấn (giảm khoảng 20 USD/tấn). Gạo Việt Nam đã trở nên rẻ hơn so với gạo Thái Lan, và chỉ còn đắt hơn gạo Ấn Độ.
Giá gạo trên thị trường Philippines liên tiếp giảm trong quý 4/2018 sau nhiều đợt Cơ quan Lương thực Quốc gia nước này (NFA) mở thầu mua gạo để tăng lượng dự trữ của Chính phủ, từ đó tăng cung cho thị trường trong nước. Tuần đầu tiên của tháng 12/2018, giá gạo xát thường và xát kỹ trung bình lần lượt giảm còn 42,17 pesp và 45,73 peso/kg. Tuy nhiên, so với mức giá một năm trước (khi đó giá 2 loại này ở mức 38,06 peso và 42,24 peso/kg), giá gạo hiện tại vẫn cao hơn lần lượt 10,8% và 8,74%. Đồng thời, giá hiện cũng vẫn cao hơn mức giá bán lẻ quy định (là 39 peso đối với gạo xát thường và 44 peso/kg với gạo xát kỹ).
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng tháng thứ 3 liên tiếp; Cụ thể, tháng 12/2019 đạt 478.292 tấn, thu về 229,2 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và tăng 19,1% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó; So với cùng tháng năm 2017 cũng tăng mạnh 36% về lượng và tăng 39,4% về kim ngạch. Tính chung cả năm 2018 cả nước xuất khẩu 6,11 triệu tấn gạo, tương đương 3,06 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và tăng 17,1% về kim ngạch so với năm 2017. Giá xuất khẩu đạt 501 USD/tấn, tăng 10,9%.
Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đại lục mặc dù giảm mạnh 41,8% về lượng và giảm 33,4% về kim ngạch so với năm 2017, nhưng vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt 1,33 triệu tấn, trị giá 683,36 triệu USD, chiếm 22% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu tăng 14,3%, đạt 512,7 USD/tấn. Xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines trong tháng 12/2018 tăng rất mạnh 193,6% về lượng và tăng 212,9% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt 245.404 tấn, tương đương 111,34 triệu USD; nâng tổng khối lượng cả năm lên 1,02 triệu tân, tương đương 459,52 triệu USD – đứng vị trí thứ 2 về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 16,6% trong tổng lượng và chiếm 15% trong tổng kim ngạch, tăng 84% về lượng và tăng 106,5% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tăng 12,2%, đạt 451,7 USD/tấn. Indonesia xuống vị trí thứ 3, mặc dù lượng xuất khẩu tăng vượt trội gấp 46,7 lần so với năm 2017 và kim ngạch tăng gấp 61,6 lần, đạt 772.576 tấn, tương đương 362,66 triệu USD, chiếm 12,6% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu cũng tăng mạnh 32%, đạt trung bình 469,4 USD/tấn. Riêng tháng 12/2018 xuất sang thị trường này giảm mạnh 57,7% về lượng và giảm 60% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt 478 tấn, tương đương 216.020 USD.
Trong năm 2018, chỉ có 38% số thị trường xuất khẩu đạt mức tăng kim ngạch so với năm 2017, còn lại 62% số thị trường sụt giảm kim ngạch; Trong đó đáng chú ý các thị trường tăng mạnh như: Ba Lan tăng 431,7% về lượng và tăng 494% về kim ngạch, Pháp tăng 295,3% về lượng và tăng 211,8% về kim ngạch, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 173,5% về lượng và tăng 185% về kim ngạch, Iraq tăng 134,3% về lượng và tăng 143,9% về kim ngạch. Ngược lại, các thị trường xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh là: Bangladesh giảm trên 91% cả về lượng và kim ngạch; Chi Lê giảm 88,2% về lượng và giảm 77,6% về kim ngạch; Bỉ giảm 82% về lượng và giảm 75% về kim ngạch; Algeria giảm 73,5% về lượng và giảm 70% về kim ngạch; Ukraine giảm 77% về lượng và giảm 68,9% về kim ngạch.
Gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu đã mở rộng vào các nước châu Mỹ, Trung Đông…Sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới. Lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Năm 2018 đánh dấu sự thành công lớn của ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam, với kim ngạch gia tăng mạnh cả giá trị và sản lượng. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại.
Hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân; tăng trưởng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và giảm dần tỷ trọng các loại gạo chất lượng trung bình và thấp.
Cùng với đó, chính sách mới quản lý điều hành xuất khẩu gạo qua việc Chính phủ ký ban hành Nghị định số 107 ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo giúp cho việc xuất khẩu gạo dần dần được hình thành một cách hệ thống. Thể chế chính sách xuất khẩu gạo đã từng bước theo hướng tự do hóa, dần phù hợp với quy định của quốc tế, loại bỏ các rào cản gây bất lợi cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Nguồn:Vinanet