menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 06/7/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

18:47 06/07/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 06/7/2021.
 
Ngô dẫn dắt thị trường nông sản trong khi đà tăng của lúa mì lại bị hạn chế
Kết thúc tuần vừa qua, ngô và lúa mì tuần đã có những diễn biến khác biệt đáng chú ý do 2 mặt hàng này có thể sử dụng thay thế nhau trong sản xuất thức ăn chăn nuôi nên thường có cùng xu hướng giá. Nếu ngô dẫn đầu thị trường nông sản với mức tăng mạnh nhất hơn 11% thì lúa mì chỉ tăng nhẹ 1.87%.
Giá ngô tăng rất mạnh trong tuần vừa qua thậm chí có phiên tăng kịch trần chủ yếu do lo ngại về nguồn cung thắt chặt. Khác với diễn biến trong lịch sử của giá ngô qua nhiều năm, cứ đến đầu tháng 7 là giá lại bước vào xu hướng giảm thì đến năm nay, giá ngô lại trải qua tuần tăng mạnh thứ 2 kể từ đầu năm 2021. Nguyên nhân lý giải cho mức tăng này là báo cáo Diện tích gieo trồng của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy gieo trồng ngô năm nay không đạt được như mức kỳ vọng, khiến mức tồn kho đã bị giảm mạnh trước đó khó có thể quay trở lại ổn định. Ngoài ra, thời tiết ở Midwest cũng là yếu tố kéo giá ngô đi lên. Nếu như hạn hán vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá ngô trong tháng 6 thì lũ quét xuất hiện tiếp tục tác động tiêu cực lên chất lượng mùa vụ Mỹ. Năng suất ngô niên vụ 2021/22 trong báo cáo Cung-cầu tháng 7 sắp tới có thể bị USDA điều chỉnh giảm xuống nếu hạn hán ở các vùng Đồng bằng phía Bắc vẫn không được cải thiện và các khung thời tiết tiêu cực vẫn đe doạ đến cây trồng. Năng suất giảm trong bối cảnh diện tích không tăng như kỳ vọng có thể dẫn tới mức tồn kho thấp kỷ lục.
Trên biểu đồ kĩ thuật, giá ngô vẫn đang dao động trong dải trên của Bollinger Bands. 2 phiên giảm vừa qua có thể coi là tích luỹ để ngô có thể hướng tới nền giá cao hơn. Các chỉ báo kĩ thuật động lượng RSI và MACD đều đang hướng lên cho thấy đà tăng của ngô vẫn được duy trì. Trong một vài phiên tới, giá ngô có thể sẽ hướng lên vùng kháng cự tâm lí quan trọng ở 600. 

Giá lúa mì tăng nhờ ảnh hưởng từ xu hướng chung của nhóm nông sản. Tuy nhiên, nếu như trong 3 mặt hàng ngũ cốc chính thì ngô và đậu tương đều tăng hơn 10% thì đà tăng của lúa mỳ lại bị hạn chế. Nguyên nhân của sự khác nhau này đến từ nguồn cung ở Mỹ. Nước này là nơi sản xuất chính 2 mặt hàng ngô, đậu tương và đang trải qua hạn hán kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng các loại cây trồng. Ngược lại, sản lượng xuất khẩu lúa mì phần lớn đến từ Nga và sản lượng của nước này được dự báo là sẽ tăng lên trong năm nay nhờ có thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, về nhu cầu thế giới, các đơn hàng lớn từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì trong bối cảnh giá ngô tăng mạnh.

Ở góc nhìn kĩ thuật, lúa mì đã giảm xuống dưới đường SMA 20, nhưng MACD histogram vẫn đang dương cho thấy xu hướng giảm trong ngắn hạn vẫn chưa thể xác nhận. Trong một vài phiên tới, giá lúa mì có thể sẽ hướng tới đường SMA 20 ở quanh vùng giá 665.

(Theo Khánh Linh - MXV)

Kỳ vọng gì ở kết quả cuộc họp OPEC+ tháng 7?
Khi giá dầu thô tiến dần đến vùng giá 80 USD/thùng trong bối cảnh thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, điều mà thị trường chờ đợi nhất hiện tại chính là phản ứng của Tổ chức dầu lớn nhất thế giới OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và Liên minh) trong cuộc họp chính sách tháng 7.
Thị trường phản ứng với diễn biến cuộc họp của OPEC+ 

 Trong bối cảnh nguồn cung không tăng trưởng theo kịp nhu cầu, toàn bộ sự chú ý đổ vào diễn biến cuộc họp chính sách mới của OPEC+, nhân tố duy nhất có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường khi mà Mỹ và các nước châu Âu theo đuổi chính sách phát triển “năng lượng xanh” và hạn chế gia tăng dầu thô. Hiện tại, theo ước tính, sản lượng của nhóm hiện vẫn đang thấp hơn mức trước dịch COVID-19 khoảng 5.8 triêu thùng/ngày. Bất chấp nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại khi chủng Delta lây lan rộng trên nhiều nước thế giới và đe dọa làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới, Cơ quan Năng lựng Quốc tế IEA cũng như các nước tiêu thụ dầu lớn như Ấn Độ tiếp tục kêu gọi OPEC+ “mở khóa” nguồn cung để hạ nhiệt thị trường. Giá được hỗ trợ khi thỏa thuận sơ bộ cho thấy nhóm dự định mức tăng khiêm tốn 400,000 thùng/ngày từ tháng 8 cho đến cuối năm, đồng thời tiếp tục các kế hoạch hạn chế sản lượng cho đến cuối năm 2022.

Các yếu tố ảnh hưởng đến cuộc họp lần này 
Hiện tại, cuộc họp của nhóm đã hoãn đến lần thứ 3 do không tìm được tiếng nói chung, khi Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất UAE phản đối kéo dài thỏa thuận và yêu cầu tăng mức tính sản lượng cơ sở từ 3.168 triệu thùng/ngày thành gần 3.84 triệu thùng/ngày trong khi Saudi Arabia kiên quyết phản đối do lo ngại động thái tương tự đến từ các thành viên khác sẽ khiến sản lượng tăng.
UAE có cơ sở để bảo vệ lập trường của mình. Trong báo cáo Triển vọng dầu thế giới 2020, OPEC ước tính đầu tư vào thượng nguồn (các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác) trong năm 2021 trong khối sẽ giảm mạnh xuống dưới 20 tỷ USD, tuy nhiên hiện tại UAE đang chi khoảng 25 tỷ USD/năm để tăng công suất lên 5 triệu thùng/ngày, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác quốc tế như BP Plc và TotalEnergies SE, cũng như một số công ty Ấn Độ và Trung Quốc. Tiếp tục cắt giảm sản lượng sẽ gây thiệt hại kinh tế nước này cũng như các đối tác. 

Vấn đề “nội bộ” của OPEC+ hiện đang kéo theo sức ép chính trị từ Mỹ. Phát ngôn viên Nhà Trắng hôm qua cho biết, dù không phải bên trực tiếp tham gia đàm phán, Mỹ cũng kêu gọi các thành viên OPEC+ tìm được “giải pháp thỏa hiệp”. Giá dầu lên cao sẽ đẩy lo ngại lạm phát đầu vào tăng cũng như tác động trực tiếp đến người tiêu dùng đúng vào dịp nghỉ hè khi nhu cầu đi lại tăng cao. Trong trường hợp OPEC+ không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng và giá dầu lên quá cao, chính quyền Tổng thống Biden sẽ đối mặt với chỉ trích của người dân khi đã đưa ra một loạt các chính sách hạn chế phát triển ngành dầu khí quốc gia để theo đuổi “năng lượng xanh” – hiện vẫn chưa có khả năng thay thế dầu để trở thành nguồn năng lượng phổ biến. 

Giá dầu cao là vấn đề của mọi Tổng thống Mỹ, khi Mỹ là nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump là một ví dụ, vào tháng 4/2018 khi giá Brent tăng lên 74 USD/thùng, ông Trump liên tục gây sức ép lên OPEC kêu gọi tăng sản lượng ở các bài phát biểu chính thức và cả trên Twitter cá nhân. Mặc dù Tổng thống Biden với lập trường hiện tại là hạn chế khai thác thêm sản lượng dầu để bảo vệ môi trường sẽ hạn chế công khai kêu gọi OPEC+ tăng sản xuất dầu, tuy nhiên với giá xăng hiện tại 3.134 USD/gallon đã cao hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái 2.18 USD/gallon, ông sẽ muốn giá dầu hạ nhiệt. Mới đây, Tổng thống Biden đã phản đối việc tăng thuế xăng dầu để tài trợ gói ngân sách cơ sở hạ tầng đưa ra trước đó. 

Hướng đi nào cho OPEC+ trong các cuộc họp sắp tới 
Tối qua là lần thứ 3 cuộc họp chính sách tháng 7 của OPEC+ bị hoãn lại, và hiện thời vẫn chưa có thời gian dự kiến cho cuộc họp sắp tới. Sức ép lên Saudi Arabia với vai trò đứng đầu khối đang tăng cao hơn bao giờ hết, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Nếu UAE rời khỏi liên minh giống như Qatar để tăng sản lượng, có khả năng các nước khác cũng sẽ có động thái tương tự. Như vậy, thị trường có thể chịu cú sốc từ nguồn cung, và giá dầu có thể bị đẩy xuống vùng 65 hoặc 60 USD/thùng. Điều này cũng sẽ cho thấy thất bại của Saudi Arabia trong vai trò dẫn dắt khối và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm ảnh hưởng của quốc gia này tại Trung Đông. Trong khi đó, việc nhóm tiếp tục giữ mức sản lượng hiện tại sẽ khiến giá dầu tăng vọt và đi ngược lại lợi ích của nhóm. Giá cao có thể buộc Mỹ phải có chính sách can thiệp vào thị trường, nới lỏng điều kiện giúp cho các công ty dầu đá phiến quay trở lại cạnh tranh với OPEC+. Do đó, kịch bản tốt nhất hiện nay vẫn là OPEC+ đạt được thỏa thuận tăng sản lượng căn bản giống thỏa thuận ban đầu, trong khi nhóm cho phép UAE đạt được một số điều khoản ưu tiên, miễn trừ nhất định. Như vậy, giá sẽ được hỗ trợ để tiến đến vùng giá 80 USD/thùng.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc