Tín hiệu trung lập vẫn được duy trì với mặt hàng ngô trước báo cáo Cung-cầu tháng 8
Giá ngô mở cửa phiên đầu tuần tiếp tục tăng lên sau khi đóng cửa tuần trước với mức tăng hơn 2%. Trong 2 tuần vừa qua, giá ngô luôn biến động trong khoảng hẹp nhưng xu hướng đi ngang với tâm lí thận trọng của thị trường càng kéo dài lâu thì điểm đột phá sẽ càng mạnh. Báo cáo Cung- cầu tháng 8 được công bố vào tối thứ Năm tuần này có thể sẽ đánh dấu mốc quan trọng với thị trường nông sản.
Hãng tin Reuters đã tổng hợp lại dự đoán của thị trường cho báo cáo này. Trong đó, các số liệu về nguồn cung đều có dấu hiệu thắt chặt khi tồn kho ngô thế giới cuối niên vụ 21/22 sẽ đạt 288 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 291 triệu tấn trong báo cáo tháng 7, do năng suất và sản lượng sụt giảm. Thời tiết khô nóng vẫn tiếp diễn với lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng ở các bang phía bắc khu vực Midwest là yếu tố chính dẫn đến mức giảm này.
Thậm chí, nguồn cung ngô còn đáng lo ngại hơn khi hạn hán được cho là tác động mạnh đến ngô hơn là đậu tương do chất lượng đậu tương được cải thiện trong tuần trước nhờ một lượng mưa xuất hiện ở Midwest nhưng số liệu này vẫn giảm xuống đối với ngô. Các mô hình dự báo ngày 6-10 cho thấy nhiệt độ cao hơn bình thường và lượng mưa dưới mức bình thường vẫn sẽ chiếm ưu thế trên toàn bộ Midwest. Điều này khiến cho giá ngô sẽ không thể giảm mạnh dưới 640 ít nhất là trong vài phiên đầu tuần này.
Kịch bản nào cho giá Cà phê trong tuần này?
Kết thúc tuần vừa qua, giá Cà phê trên hai sở tiếp tục suy yếu. Giá Arabica giảm gần 2% còn 176 cents/pound, trong khi giá Robusta đóng cửa tuần giảm mạnh 2.4% còn 1743 USD/tấn. Khoảng cách giữa hai Sở được thu hẹp lại còn 55% chiết khấu cho giá Robusta.
Thị trường cà phê không quá sôi động trong tuần vừa qua, khi giá cả hai mặt hàng đều ở trong trạng thái tích lũy. Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần, sức ép từ đà tăng của đồng USD đã làm cho lực bán ồ ồ ạt trên cả hai Sở.
Giá Arabica đã hình thành một khu vực đi ngang khá chắc chắn với biên độ từ 173 – 177 cents/pound. Trái lại, cú giảm mạnh cuối tuần trước khiến cho giá Robusta giảm khỏi biên độ đi ngang từ 1750 – 1800 USD/ounce.
Thị trường Cà phê về dài hạn vẫn được hỗ trợ nhờ bởi những lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu, khi mà hạn hán và sương giá ở Brazil đã tàn phá tiềm năng của niên vụ 2022/23. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát tiếp tục làm trầm trọng thêm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, nông dân sẽ sớm bắt đầu chuẩn bị thu hoạch cà phê Robusta của niên vụ 2021/22, sản lượng được ước tính sẽ tăng 7.8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, yếu tố vận tải vẫn là bài toán khó giải cho các công ty xuất khẩu cà phê và sẽ hỗ trợ giá trong dài hạn.
Dòng tiền có thể tiếp tục thoát khỏi các thị trường kim loại trong tuần này
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá Bạc giảm gần 5% về 24.33 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm mạnh 7.3% còn 972 USD/ounce.
Cả hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt mất giá trước sức ép của đồng USD và sự tăng trưởng của các thị trường rủi ro gồm thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử. Tâm lý các nhà đầu tư kim loại quý đang trở nên rất bi quan, khi tín hiệu thắt chặt sớm của FED được củng cố bằng số liệu việc làm tích cực được công bố cuối tuần qua. Số liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 tăng hơn 940,000 việc làm và tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 5.4% đã khiến cho đồng USD bật tăng mạnh mẽ và gây sức ép lên giá của Bạc và Bạch kim. Bên cạnh đó, các chỉ số thước đo của thị trường chứng khoán mỹ là S&P 500 và Dow Jones tiếp tục lập đỉnh mới, đồng thời, đồng Bitcoin tăng vượt mốc 43,000 đã khiến cho sức hấp dẫn của thị trường kim loại quý bị giảm bớt và dòng vốn bị dịch chuyển khỏi thị trường.
Trong sáng nay, lực bán mạnh tiếp tục chiếm ưu thế ở thị trường Bạc và Bạch kim ngay từ đầu phiên. Giá Bạc đã có lúc giảm về 22.3 USD/ounce, giá Bạch kim cũng test lại mức hỗ trợ 950 USD/oune. Tuy nhiên, lực mua vào ở các vùng hỗ trợ cứng đã giúp cho giá Bạc và Bạch kim phục hồi. Trong ngắn hạn, thị trường kim loai được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Diễn biến dịch COVID-19 tại châu Á gây áp lực cho thị trường dầu thô
Giá dầu có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, khi lo ngại về dịch COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc và Mỹ đè nặng tâm lý thị trường. Cụ thể, giá WTI giảm 7.67% xuống 68.28 USD/thùng, giá Brent giảm 6.25% xuống 70.7 USD/thùng.
Chỉ mất chưa đến một tháng kể từ đầu tháng 7, số ca nhiễm tại các “điểm nóng” COVID-19 hiện tại đã tăng hơn gấp đôi và vượt qua con số cùng kỳ năm ngoái, bất chấp quá trình tiêm chủng vắc-xin do sự xuất hiện của biến thể Delta. Điều này gây ra tâm lý bất ổn trên thị trường năng lượng, đặc biệt khi giá dầu đã tăng lên trên 60% trong cùng giai đoạn.
Tại khu vực châu Á – Thái Binh Dương, nơi tiêu thụ 35% lượng dầu thô thế giới và là tâm điểm của đợt dịch năm nay, nhập khẩu dầu thô đã giảm từ tháng 2, với làn sóng lây nhiễm chuyển dịch từ Ấn Độ sang khu vực Đông Nam Á. Từ đầu tháng 4 đến giờ, nhập khẩu dầu của Trung Quốc và Ấn Độ liên tục giảm về dưới mức trước năm 2019 do sự kết hợp của giá dầu tăng cao, tồn kho dồi dào và nhu cầu suy yếu. Với số ca lây nhiễm tại một nửa tỉnh thành tại Trung Quốc và giới phân tích dự đoán làn sóng COVID-19 diễn ra tại Ấn Độ vào tháng 10, trong khi giá bán chính thức (OSP) từ đối tác lớn nhất là OPEC tiếp tục tăng, xu hướng này có thể tiếp tục trong ít nhất vài tháng tới, tác động tiêu cực đến giá dầu.