Nguồn cung hạn chế vẫn đang là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá lúa mì
Giá lúa mì mở cửa phiên sáng nay giảm nhẹ nhưng lực mua đang mạnh dần lên. Giá lúa mì phiên hôm qua biến động mạnh cả 2 chiều, và bị đẩy xuống mức gần thấp nhất phiên sau khi chạm đường trendline hướng lên kéo dài từ đầu tháng 7 tới nay.
Tác động tiêu cực của thời tiết bất ổn ở các khu vực gieo trồng chính trên thế giới đang làm gia tăng mối lo ngại về nguồn cung. Lượng mưa quá nhiều trong thời gian gần đây ở Pháp và Đức không những cản trở giai đoạn thu hoạch mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng lúa mì. Trong khi đó, thời tiết băng giá lan rộng trên khắp Brazil cũng khiến chất lượng lúa mì giảm xuống ở Parana, bang sản xuất lúa mì lớn nhất cả nước. Chỉ 64% diện tích lúa mì được đánh giá là tốt, giảm mạnh so với mức so với mức 90% trong tuần trước và 89% cùng kỳ năm ngoái do những đợt sương giá gần đây. Việc sản lượng lúa mì ở Brazil giảm xuống sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu của nước này tăng lên và hỗ trợ giá lúa mì. Mùa vụ lúa mì ở Nga và Canada cũng đang phải trải qua thời tiết khắc nghiệt khi hạn hán ở những khu vực này có thể khiến cho tổng nguồn cung của cả 2 nước này giảm tới 20 triệu tấn so với ước tính của Bộ nông nghiệp Mỹ trong báo cáo cung cầu tháng 7.
Dự báo thời tiết cho thấy mặc dù một lượng mưa nhỏ có thể sẽ xuất hiện ở khu vực Đồng bằng phía bắc nhưng thời tiết khô và nóng nhìn chung vẫn sẽ duy trì trong 1 tuần tới nên đây ở Mỹ vẫn sẽ là yếu tố giúp lúa mì tiếp tục duy trì đà tăng hiện tại.
Số ca nhiễm Covid không ngừng tăng có thể gây sức ép lên giá Cà phê
Đóng cửa phiên 4/8, giá hai mặt hàng Cà phê đi ngược chiều nhau. Giá Arabica tăng nhẹ 0.5% lên 175.65 cents/pound, trong khi giá Robusta giảm nhẹ còn 1770 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được thu hẹp lại còn 54% chiết khấu cho giá Cà phê Robusta.
Sau đợt biến động mạnh vừa qua, thị trường Cà phê có phần trầm lắng khi biên độ biến động mỗi phiên được thu hẹp dần và khối lượng giao dịch ở dưới mức trung bình. Trong ngắn hạn, giá Cả hai mặt hàng cà phê sẽ tiếp tục đi ngang hoặc giảm nhẹ khi thị trường có nhiều yếu tố “bearish” hơn với giá.
Đợt bùng phát dịch do biến thể Delta trên toàn cầu lần này nghiêm trọng hơn so với nhiều nước dự đoán. Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt mức 200 triệu người. Kể từ tháng 7 tới nay, số ca nhiễm ở Mỹ không ngừng tăng, với trung bình 92,000 ca mắc mới mỗi ngày. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh không những gây ảnh hưởng đến tiến độ mở cửa lại của các quốc gia mà còn đe dọa thành quả phục hồi kinh tế toàn cầu. Dù các quán cà phê không phải đóng cửa trở lại, thì nhu cầu tiêu thụ cũng sẽ giảm trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ảm đạm khiến cho người tiêu dùng chi tiêu ít đi.
Xét về các yếu tố nguồn cung, tâm điểm của thị trường vẫn là tình hình thời tiết tại Brazil. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho biết thời tiết sẽ ôn hòa trong hai tuần tới, và tháng 8 cũng là tháng cuối cùng của mùa Đông ở Brazil, vì thế có thể sẽ ít có yếu tố đầu cơ thời tiết trong tháng này.
Xu hướng giảm được hình thành ngày một rõ rệt ở thị trường kim loại quý
Kết thúc phiên giao dịch 4/8, giá các mặt hàng kim loại đồng loạt giảm. Giá Bạc giảm nhẹ 0.5% còn 25.46 USD/ounce, giá Bạch kim giảm mạnh 2.5% còn 1021.3 USD/ounce. Đáng chú ý, đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với giá Bạch kim trong vòng 7 tháng.
Các nhà đầu tư kim loại quý vừa trải qua một phiên giao dịch nhiều cảm xúc, khi giá Bạc và Bạch kim đều tăng vào đầu phiên nhưng rồi hứng chịu lực bán mạnh ngay khi có tín hiệu thắt chặt của FED. Phó chủ tịch FED Richard Clarida cho biết, cơ quan này đã đạt được những tiến triển nhất định để tăng lãi suất vào năm 2023. Bên cạnh đó, vào đầu tuần này, Thống đốc FED Christopher Waller cũng cho biết nếu thị trường lao động Mỹ hồi phục tích cực, FED thậm chí có thể cắt giảm chương trình thu mua tài sản và tăng lãi suất trong năm 2022.
Liên tiếp các phát biểu mang tín hiệu thắt chặt được đưa ra khiến cho đồng USD tăng mạnh. Chỉ số Dollar Index tăng lên 92.29 điểm và gây sức ép lên giá của các mặt hàng kim loại quý. Nếu như đầu năm nay, giới đầu tư còn lạc quan về triển vọng của thị trường kim loại quý, thì các tin tức gần đây đã khiến cho xu hướng giảm được hình thành ngày một rõ rệt trên thị trường.
Hiện hai yếu tố hỗ trợ cho giá của hai mặt hàng kim loai quý là nỗi lo của các nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lại lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu và số liệu việc làm của Mỹ vẫn tăng trưởng thiếu khả quan.
Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư nên ưu tiên các chiến lực canh bán tại các vùng giá kỹ thuật.
Giá dầu vẫn còn khả năng phục hồi trong thời gian tới
Giá dầu liên tiếp giảm từ đầu tháng khi thị trường lo ngại dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng xăng dầu tại Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 3.42% xuống 68.15 USD/thùng, giá Brent giảm 2.8% xuống 70.38 USD/thùng. Tuy nhiên, thực tế, mức tiêu thụ xăng dầu của Mỹ đã vượt qua kỳ vọng của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA và quay trở lại vùng trước COVID-19, thể hiện qua số liệu tổng sản phẩm cung cấp (total products supplied).
Trong Báo cáo Dầu khí hàng tuần hôm qua của EIA, bất chấp tồn kho dầu thô tăng mạnh hơn dự kiến, tuy nhiên, mức tăng được lý giải phần nào nhờ lượng nhập khẩu ròng tăng mạnh và đã vượt mức năm 2019 từ giữa tháng 7. Giá WTI tăng liên tục từ đầu năm khiến cho khoảng cách Brent – WTI thu hẹp dần buộc các nhà máy lọc dầu gia tăng thu mua các sản phẩm giá rẻ hơn để tăng lợi nhuận. Thực tế thì tiêu thụ xăng trong tuần kết thúc 30/07 tăng mạnh 451,000 thùng so với kỳ trước đó, cho thấy các phiên giảm từ đầu tuần phản ánh lo ngại hiện giờ nhiều hơn là tình hình thực tế. Do đó, vẫn còn nhiều cơ hội để giá phục hồi trở lại vùng 70 USD/thùng. Việc Saudi Arabia tăng giá bán chính thức đối với mặt hàng dầu thô xuất khẩu cho thị trường châu Á trong cả tháng 8 và tháng 9 cũng cho thấy quan điểm lạc quan về nhu cầu dầu tại đây.