menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 15/12/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:46 15/12/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 15/12/2022.
 
Nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ được kì vọng gia tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn đối với giá
Giá ngô mở cửa phiên giao dịch sáng nay chỉ đang giằng co quanh mức tham chiếu. Kể từ sau báo cáo Cung – cầu tháng 12, giá vẫn chưa hình thành xu hướng rõ ràng mà chỉ biến động theo cả 2 chiều trong phiên và đóng cửa với mức giá gần với giá mở cửa. Triển vọng nguồn cung ở Nam Mỹ nhìn chung vẫn đang trung lập khi ảnh hưởng của khô hạn lên Argentina khá nghiêm trọng nhưng ngược lại, mùa vụ ngô thứ 2 đang được gieo trồng ở Brazil lại diễn ra khá thuận lợi. Yếu tố quan trọng nhất định hướng giá trong vài tháng tới sẽ là triển vọng và tác động từ thời tiết lên mùa vụ của 2 quốc giá này. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ ngô tại Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới diễn biến giá ngô trong phiên.
Trong báo cáo của EIA tối qua, sản lượng ethanol của Mỹ mặc dù giảm nhẹ xuống mức 1.061 triệu thùng/ngày nhưng vẫn đang ở mức cao so với trung bình trong vài tháng qua. Đây cũng là dấu hiệu tích cực về nhu cầu ngô của Mỹ và nếu xu hướng này tiếp tục duy trì thì khả năng USDA sẽ phải điều chỉnh mức tiêu thụ trong ngành công nghiệp này ở báo cáo tháng sau.
Ngoài ra, tối nay, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ là yếu tố đáng chú ý với số liệu bán hàng tuần vừa rồi được phát hành trong báo cáo Export Sales. Thị trường đang kì vọng rằng con số này có thể sẽ cao hơn so với mức 690,000 tấn trong tuần trước. Hoạt động kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ việc Chính phủ nới lỏng kiểm soát dịch vào đầu tháng 12 có thể sẽ giúp số liệu xuất khẩu của Mỹ tăng lên. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đây chỉ là yếu tố giúp hạn chế việc giá quay trở lại đà giảm mạnh như trong tháng 11 và tác động “bullish” sẽ không kéo dài. Nguồn cung giá rẻ từ Brazil khi các chuyến hàng từ nước này sang Trung Quốc bắt đầu khá thuận lợi cùng với lượng hàng giá thấp nhất thị trường từ Ukraine đang được bán ra thị trường quốc tế vẫn sẽ tạo áp lực cạnh tranh với nguồn cung từ Mỹ. 

Thêm tín hiệu cho thấy Conab khả năng cao sẽ cắt giảm sản lượng cà phê của Brazil, khiến giá Arabica có thể tiếp tục xu hướng tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự khởi sắc. Trong đó Arabica có phiên tăng thứ 3 liên tiếp nhưng mức tăng khá yếu do triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Brazil trong niên vụ tới. Arabica bật tăng hơn 2% khi những lo ngại về chất lượng cà phê tại Việt Nam vẫn chưa giảm bớt dù đã thu hoạch được gần 70% sản lượng dự đoán.
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê của Brazil (Cecafe), trong 11 tháng đầu năm 2022, Brazil đã xuất khẩu 36.057 triệu bao, giảm 1.8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù cho đây là năm được mùa theo chu kỳ 2 năm 1 tại Brazil và đáng lẽ lượng xuất khẩu sẽ phải tăng. Thông tin này như một tín hiệu củng cố thêm cho lập luận Conab có thể sẽ cắt giảm sản lượng cà phê của quốc gia cung ứng số 1 thế giới trong báo cáo tối nay.
Cũng theo thống kê của Cecafe, xuất khẩu trong 14 ngày đầu tháng 12 của Brazil đạt 1.426 triệu bao, thấp hơn mức 1.624 triệu bao của cùng kỳ tháng trước, trong đó, sự sụt giảm ghi nhận mạnh nhất đối với Arabica, khi xuất khẩu chỉ đạt 1.265 triệu bao so với 1.464 triệu bao của cùng kỳ. Thông tin này có thể sẽ hỗ trợ giá tiếp tục tăng.
Theo dự báo thời tiết tại Brazil, lượng mưa lớn khoảng 75-250 mm có thể đổ bộ vào Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của Brazil trong thời gian tới. Điều này giúp đất có được độ ẩm tốt không chỉ ở trên bề mặt mà còn ở tầng đất sâu, giúp hỗ trợ cho sự phát triển của cây cà phê. Từ đó đưa đến triển vọng tốt hơn về nguyên cung trong niên vụ tới và sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá. 

Giá đồng có thể suy yếu do tình trạng tiêu thụ kém khả quan tại Trung Quốc
Giá đồng giảm nhẹ trong sáng nay sau khi các số liệu kinh tế của Trung Quốc tiêu cực hơn so với dự báo.
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc suy yếu hơn vào tháng 11, với sự sụt giảm trong doanh số bán lẻ đã tăng lên 5.9% so với một năm trước, cao hơn mức dự báo. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp giảm xuống 2.2% từ mức 5% trong tháng 10, trong khi tăng trưởng đầu tư tài sản cố định giảm xuống 5.3% trong 11 tháng đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đã tăng lên 5,7%, cao nhất kể từ tháng 5.
Các số liệu này phản ánh những khó khăn mà nền kinh tế thứ hai thế giới đang phải trải qua sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Các nhà kinh tế cho rằng việc nới lỏng các hạn chế chống dịch cũng chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh mẽ cho Trung Quốc, và còn làm gia tăng lo ngại khi số ca nhiễm tăng.
Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ đối với các kim loại cơ bản, trong đó có đồng vẫn chậm do các hoạt động sản xuất, xây dựng suy yếu. Bên cạnh đó, một thước đo khác cũng phản ánh bức tranh tiêu thụ yếu kém này là việc sản lượng thép của Trung Quốc tháng 11 đã giảm, khi mà các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng để hạn chế mức thua lỗ và đối phó với việc nhu cầu sụt giảm.
Nhìn vào các số liệu của ngành sắt thép, nhà đầu tư cũng có thể thu được những thông tin hữu ích có liên quan tới thị trường đồng, bởi Trung Quốc là nhà tiêu thụ số một thế giới với cả hai kim loại này.
Sắt là kim loại cơ bản được tiêu thụ nhiều hơn và được ứng dụng rộng rãi hơn trong mọi ngành sản xuất, nên khi nhu cầu sắt thép suy yếu, nhà đầu tư cũng khó có thể kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ đồng tăng mạnh. 

Lực bán kỹ thuật và sức ép vĩ mô có thể sẽ là yếu tố kéo giá dầu suy yếu trong phiên hôm nay
Giá dầu WTI mở cửa phiên hôm nay với áp lực bán khá mạnh khi chạm cạnh giữa của dải Bollinger Band. Trong khi đó, các sức ép vĩ mô chưa được hấp thụ trong đêm hôm qua cũng đã có tác động đáng kể đến giá dầu.
Cuộc họp của Fed vào đêm qua đang cho thấy mức đỉnh lãi suất trong năm sau mà Fed có thể đạt rơi vào khoảng trung bình 5.1%, và đạt mức 4.1% vào năm 2024. Trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư khi Fed có thể sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào khoảng cuối năm sau, các quan chức đều đưa ra quan điểm sẽ chưa cắt giảm lãi suất trong năm 2023.
Kỳ vọng trung bình của các quan chức về tăng trưởng GDP thực tế vào năm 2023 đã giảm xuống 0.5%, từ mức 1.2% được đưa ra trong tháng 9. Các dự báo trung bình là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4.6% trong năm tới, so với mức 4.4% trước đó và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE lõi sẽ tăng 3.5% trong năm tới, cao hơn dự báo trung bình tháng 9 là 3.1% và mục tiêu 2% của Fed. Như vậy, lăng kính nền kinh tế từ Fed sẽ là lạm phát vẫn chưa về mức mục tiêu, tăng trưởng chậm lại, và lãi suất cao sẽ được duy trì trong năm sau. Điều này gây ra rủi ro suy thoái nhẹ, và ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như là dầu thô. Giá dầu có thể gặp áp lực trong phiên hôm nay vì các yếu tố vĩ mô này.
Nền kinh tế Trung Quốc khi bắt đầu nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ bùng phát trên diện rộng, trước khi mọi vấn đề được bình thường hoá cũng sẽ là rủi ro lớn cho bức tranh tiêu thụ dầu trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, xét về tiềm năng cung cầu trong dài hạn, báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy bức tranh cung cầu trong năm 2022 khá cân bằng, trong khi năm 2023 sẽ chứng kiến sự suy yếu về nguồn cung dầu từ phía Nga và mức phục hồi tích cực trong nhu cầu từ phía Ấn Độ và Trung Quốc có thể khiến cầu vượt cung ở mức trung bình 800,000 thùng/ngày. Do đó, áp lực vĩ mô nêu trên có thể chỉ gây sức ép tạm thời tới giá dầu.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin mxv
Link gốc