menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 23/2/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:39 23/02/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 23/2/2022.
Yếu tố cơ bản vẫn đang hỗ trợ, giá đậu tương có thể sẽ vượt lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua
Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/02, đậu tương đã tiếp tục duy trì đà tăng mạnh từ 4 phiên trước đó. Giá đậu tương một phần được thúc đẩy do thông tin về căng thẳng chính trị ở Biển Đen có thể gây ra gián đoạn các chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc, trong khi lo ngại về mùa vụ bị thiệt hại ở Argentina lại là yếu tố hỗ trợ cho cả xu hướng tăng vừa qua của mặt hàng này.
Hiện tại, giá đậu tương đang hướng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua và với tâm lí hưng phấn của thị trường sau chuỗi tăng vừa qua cùng với giai đoạn tích luỹ trước đó, giá đậu tương có thể sẽ thiết lập vùng đỉnh mới. Trong bối cảnh các yếu tố cơ bản và thông tin bất ngờ về chính trị đều thiên về tác động “bullish”, kháng cự tại vùng đỉnh 1670 nhiều khả năng sẽ không thể chặn lại đà tăng của giá và việc mở vị thế bán ở giai đoạn này là rất rủi ro đối với nhà đầu tư.
Dự báo trong tuần này cho thấy mưa sẽ xuất hiện rải rác ở miền trung Argentina và miền nam Brazil trong khi các mô hình dự báo xa hơn lại cho thấy khô hạn sẽ chiếm ưu thế ở Argentina.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Đà tăng của thị trường cà phê có thể tiếp tục duy trì do mức tồn kho trên Sở ICE US giảm mạnh
Kết thúc phiên 22/2, sắc xanh quay trở lại với thị trường cà phê. Giá Arabia tăng nhẹ 0.5% lên 247.3 cents/pound, giá Robusta đóng cửa cao hơn 1.2% lên 2260 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở giảm nhẹ còn 58.5% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong một phiên giao dịch mà đồng USD suy yếu và mức tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US tiếp tục giảm, giá cà phê đã lấy lại động lực tăng. Mức dự trữ Arabica hiện giảm về dưới 1 triệu bao, là mức thấp kỷ lục chưa từng thấy trong 22 năm, và thấp hơn cả giai đoạn nguồn cung bị thắt chặt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020. Hôm qua cũng là ngày các quỹ đăng ký số vị thế với các Sở, và diễn biến này cho thấy “dòng tiền thông minh” tiếp tục được đổ vào thị trường cà phê. Vì thế, các nhà đầu tư không nên mở vị thế bán dài hạn.
Trong giai đoạn cuối tháng, thị trường cà phê sẽ không có nhiều tin tức về cung cầu ở các khu vực sản xuất, nên giá sẽ phản ánh với các tín hiệu kỹ thuật nhiều.
Đối với thị trường Arabica, giá đã bật lên từ đường EMA 89 trên khung H4 nhưng vẫn nằm dưới đường EMA 34. Chỉ số RSI vẫn dưới mức 50 cho thấy lực bán vẫn mạnh hơn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Nhu cầu tiêu thụ đồng trong lĩnh vực năng lượng xanh sẽ hỗ trợ cho giá đồng neo ở mức cao
Giá đồng giảm phiên thứ tư liên tiếp về 4.51 USD/pound. Đồng vốn là một kim loại được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc, với hơn 50% sản lượng của thế giới mỗi năm. Một trong những ngành tiêu thụ đồng lớn có thể kể đến ngành xây dựng và bất động sản, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thanh khoản của các công ty bất động sản của Trung Quốc đang khiến cho triển vọng tăng giá của thị trường đồng gặp rất nhiều sức ép.
Ngoài ra, giá đồng hiện cũng đang cách mức đỉnh lịch sử chỉ khoảng 10%, và cao hơn nhiều so với giai đoạn trước năm 2021, nên giá vẫn cần động lực mạnh mẽ hơn để tăng. Bởi việc giá đồng tăng mạnh sẽ buộc các nhà chức trách Trung Quốc phải vào cuộc để kiểm soát giá. Đồng thời, giá tăng quá cao cũng có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ.
Mặc dù vậy, thị trường đồng vẫn có được một vài yếu tố nhất định, sẽ khiến cho giá có cơ hội bứt phá, nhưng chưa phải giai đoạn hiện nay. Mới đây, Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng Guangfa Trung Quốc và Ngân hàng Ping An có kế hoạch bán tổng cộng 3.2 tỷ USD trái phiếu để tăng cường các khoản vay cho các hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành bất động sản.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu khả năng cao sẽ tiếp tục đi ngang trong khoảng giao dịch rộng trong 1-2 phiên tới
Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm qua do áp lực từ các căng thẳng địa chính trị từ Nga và Ukraine. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.88% lên 91.91 USD/thùng trong khi Brent tăng 0.92% lên 93.85 USD/thùng.
Ngoài áp lực trực tiếp dành cho người tiêu dùng tại các cây xăng, giá dầu tăng đang cũng tạo áp lực cho nhiều loại hàng hóa khác, đặc biệt là thông qua cước phí vận chuyển. Chỉ số BDI, thước đo cước phí vận chuyển hàng khô thông qua đường biển quốc tế, đã tăng trở lại từ đầu năm 2022 đến giờ.
Có thể thấy, ngoại trừ giai đoạn 2021, khi giá cước tăng đột biến do vấn đề tắc nghẽn các cảng vì các quy định phòng chống dịch COVID-19, thì trong dài hạn giá cước vận chuyển luôn biến động theo giá dầu. Trong khi đó, theo ước tính 90% hàng hóa giao dịch trên thị trường quốc tế đi theo đường hàng hải, đặc biệt trong đó có nhiều nguyên liệu thô như quặng khoáng sản, ngũ cốc, than đá, … tức là đầu vào của hầu hết các nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đều chịu ảnh hưởng. Điều này gây ra áp lực lạm phát lớn và có thể khiến FED phải hành động sớm trong việc tăng lãi suất.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc