menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 4/10/2022 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:44 04/10/2022

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 4/10/2022.
Nhịp hồi phục của giá đậu tương có thể sẽ vẫn được duy trì trong phiên hôm nay do rủi ro về khả năng xuất khẩu của Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch ngày 04/10, giá đậu tương vẫn chỉ giằng co quanh mức tham chiếu bất chấp thị trường vừa đón nhận các báo cáo mới phản ánh cung – cầu tại Mỹ. Chuỗi lao dốc mạnh kể từ sau phiên công bố báo cáo WASDE tháng 9 đã đẩy giá quay trở lại vùng đáy cách đây 2 tháng. Phiên hồi phục nhẹ hôm qua cho thấy thị trường đậu tương đã xuất hiện lực mua kĩ thuật ở vùng hỗ trợ này nhưng mức tăng rất nhẹ lại là dấu hiệu thể hiện đà giảm có thể sẽ sớm lấy lại ưu thế.
Trong báo cáo Crop Progress sáng nay, chất lượng đậu tương vẫn duy trì ở mức 55% tỉ lệ cây trồng đạt tốt – tuyệt vời do thời tiết đã không còn ảnh hưởng quá nhiều tới cây trồng trưởng thành. Thay vào đó, tiến độ thu hoạch lại là số liệu được quan tâm trong giai đoạn nay. Tốc độ mùa vụ đậu tương tăng lên nhanh chóng với 22% diện tích đã được thu hoạch, cao hơn nhiều so với mức 8% trong tuần trước đó và mức dự đoán của thị trường là 20%.
Không chỉ có tốc độ thu hoạch, khả năng xuất khẩu đậu tương Mỹ hiện còn phụ thuộc vào con đường vận chuyển. Tại quốc gia sản xuất này, 70% khối lượng ngô và đậu tương đều được vận chuyển bằng sà lan dọc theo các nhánh sông Missisippi, và xuống cảng Mexico. Đây là hình thức vận chuyển rẻ nhất so với các phương tiện vận chuyển nội địa khác và cũng đóng góp1 phần trong những lý do thúc đẩy yếu tố cạnh tranh của đậu tương Mỹ so với Argentina và Brazil. Tuy nhiên, đi kèm với những thuận lợi trên thì con đường vận chuyển này cũng gặp phải rủi ro về thời tiết. Khô hạn trong suốt mùa hè và tháng 9 đã khiến cho mức nước trên sông giảm mạnh kéo theo trọng tải sà lan di chuyển qua đây đều sụt giảm. Chi phí vận chuyển bằng sà lan đã tăng lên mức cao kỷ lục và dự báo vẫn sẽ đang tiếp tục tăng lên trong tháng 10. Theo chúng tôi, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương duy trì được vùng hỗ trợ 1355 trong vài phiên tới. 

Giá Arabica khả năng cao khởi sắc trong phiên hôm nay trước thông tin cơ bản tích cực
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá 2 mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Trong khi Arabica giảm mạnh gần 3% do thời tiết ủng hộ cho sự phát triển cây trồng tại Brazil, Robusta khởi sắc nhẹ với mức tăng gần 1%.
Trái ngược với thông tin thời tiết tích cực đối với cây cà phê tại Brazil khiến giá mặt hàng này giảm mạnh trong phiên hôm qua, thông tin cơ bản hôm nay đang thiên về xu hướng khiến giá đảo chiều khi số liệu xuất khẩu của hàng loạt quốc gia cung ứng lớn trên thế giới đều đi theo chiều hướng tiêu cực.
Với Colombia, quốc gia đứng thứ 2 thế giới về lượng cà phê xuất khẩu hàng năm cũng ghi nhận mức giảm 31% lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 09 so với tháng trước đó, kéo theo xuất khẩu cũng giảm 25%.
Honduras khép lại mùa thu hoạch cà phê với mức xuất khẩu giảm 20% so với năm trước do ảnh hưởng từ bệnh nấm Roya khiến sản lượng sụt giảm. Riêng trong tháng 09, xuất khẩu của quốc gia này cũng chỉ đạt 168,254 bao, giảm 28% so với mức 235.050 bao cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Viện cà phê Honduras IHCAFE.
Bờ Biển Ngà cũng ghi nhận mức xuất khẩu giảm 60.1% trong tháng 09 so với 1 năm trước đó do lượng dự trữ ở vào mức cạn kiện vì đã kết thúc vụ thu hoạch và sản lượng cũng giảm 11.35% so với năm trước, trong khi đó họ cũng cho biết thêm nhu cầu về cà phê vẫn ở mức cao.
Việc xuất khẩu sụt giảm chủ yếu đều đến từ thông tin sản lượng suy yếu cho thấy nguồn cung trên thị trường đang vào thế thu hẹp. Đa số các quốc gia kể trên đã kết thúc mùa thu hoạch trong năm nay, nên việc cải thiện nguồn cung gần như là không thể. Riêng với Colombia, khi thời gian cho mùa thu hoạch chính mới bắt đầu gần đây, nhưng những ảnh hưởng xấu về thời tiết trước đó khiến triển vọng sản lượng ở hiện tại cũng không mấy khả quan. Như vậy, khả năng cao lực mua trên thị trường trong phiên hôm nay sẽ trở lại và chiếm ưu thế do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. 

Giá đồng nhiều khả năng sẽ theo sát diễn biến của Dollar Index khi thị trường vắng bóng tin tức từ Trung Quốc
Trong bối cảnh vắng bóng các thông tin cơ bản khi thị trường Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 5 ngày, thị trường đồng nhiều khả năng sẽ diễn biến sát với tình hình kinh tế vĩ mô.
Vào hôm qua, bức tranh sản xuất trong tháng 9 của Mỹ bất ngờ tiêu cực đã khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng môi trường lãi suất cao đang dần gây sức ép tới năng lực sản xuất và tiêu thụ. Chính vì vậy, thị trường có xu hướng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ thu hẹp lại phạm vi tăng lãi suất so với dự kiến nhằm tránh gây ra rủi ro suy thoái trong tương lai. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group chỉ ra rằng, hiện có khoảng 47% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11. Con số này tăng từ mức 43% vào ngày hôm qua. Số còn lại đang đặt cược vào mức tăng 75 điểm cơ bản. Chỉ số Dollar Index suy yếu trước thông tin này và hỗ trợ cho giá đồng do áp lực về chi phí nắm giữ vật chất giảm, trong khi đồng vẫn đang là mặt hàng có tiềm năng nhu cầu tiêu thụ lớn về dài hạn do xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh.
Tối nay, thị trường sẽ chú ý tới số liệu cơ hội việc làm của JOLTs nhằm tìm kiếm cơ sở đánh giá về bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào cuối tuần. Thị trường lao động là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đánh giá nền kinh tế Mỹ liệu có rơi vào nguy cơ suy thoái hay không. Trước đó, chỉ số việc làm sản xuất của Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) đã giảm mạnh từ mức 54.2 xuống còn 48.7 trong tháng 9, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu lao động suy giảm tại các nhà máy tư nhân. Trong bối cảnh dữ liệu việc làm tiếp tục tiêu cực hơn dự kiến, chỉ số Dollar Index có thể sẽ tiếp tục giảm và hỗ trợ cho giá đồng trong phiên. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro tăng trưởng chậm lại, và giá cũng sẽ sớm gặp áp lực trở lại. 
Thiếu vắng các dữ liệu kinh tế vĩ mô, giá dầu có thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch hôm nay

Giá dầu duy trì sắc xanh trong phiên giao dịch sáng nay, khi thị trường chờ đợi cuộc họp của OPEC+.
Thực chất, dầu WTI giao động xung quanh vùng 80 USD/thùng cho thấy thị trường đã bị định giá thấp hơn giá trị căn bản trong suốt một thời gian. Mức giá này chỉ tương đương giá trị giao dịch trước khi có rủi ro địa chính trị từ Nga – Ukraine. Nguyên nhân một phần là do rủi ro suy thoái kinh tế, phần khác là do thanh khoản suy giảm trên thị trường tài chính nói chung, khi các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tiền mặt.
Tính từ giá đóng cửa tuần trước, giá dầu đã tăng gần 6%, gần như chỉ nhờ thông tin về OPEC+. Nhưng nguyên nhân một phần cũng nhờ tuần này không có quá nhiều thông tin, dữ liệu vĩ mô. Trung Quốc đang ở trong “Tuần lễ vàng”, và điều này làm cho thị trường loại bỏ được một loạt các số liệu và dự báo tiêu cực về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt là tạm thời thị trường sẽ không còn phải nhận các tiêu cực về các đợt phong tỏa do Zero Covid. Trong khi đó, tại Mỹ, số liệu trong tuần quan trọng nhất trong tuần là Bảng lương Phi Nông nghiệp, nhưng giờ đây với lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được làm rõ, và các số liệu về thị trường lao động hàng tuần như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn chưa đưa ra dấu hiệu bất ngờ nào, ít nhất dữ liệu vĩ mô trong tuần này sẽ không tạo ra rủi ro nào.
Nhờ vậy, các thông tin về cung – cầu cho thị trường sẽ quay trở lại làm yếu tố dẫn dắt giá. Rủi ro lớn nhất trong tuần này là mức giảm sản lượng của OPEC+ thấp hơn 1 triệu thùng/ngày hay chính sách chung vấp phải sự phản đối của một vài nước. Với việc OPEC+ quyết định học trực tiếp và bỏ qua cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật JTC, vốn có nhiệm vụ phân tích cung – cầu để các Bộ trưởng các nước thành viên tham khảo, có thể thấy phần nào nhóm đã xác định rằng mục tiêu quan trọng nhất hiện tại là đạt được sự đồng thuận để cắt giảm sản lượng.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: tin MXV
Link gốc