menu search
Đóng menu
Đóng

Yếu tố thời tiết tại Mỹ có thể sẽ hỗ trợ giá ngô quay trở lại nhịp tăng

16:01 26/07/2023

Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá ngô ghi nhận mức giảm mạnh tới hơn 1,5%. Thị trường đang biến động mạnh mẽ trong giai đoạn triển vọng nguồn cung toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố rủi ro như thời tiết và chính trị. Mặc dù giá nông sản đã tăng vọt nửa đầu tuần do Nga xác nhận kết thúc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc nhưng các mặt hàng đã bình ổn trở lại kể từ phiên hôm qua. Lực bán sáng nay chủ yếu do áp lực chốt lời.
 
Tuần tới USDA sẽ bắt đầu khảo sát cây trồng để chuẩn bị công bố báo cáo Cung cầu tháng 8. Lịch sử những năm gần đây cho thấy khả năng có sự thay đổi đáng kể về các số liệu dự báo nguồn cung của Mỹ trong báo cáo tháng 8. Sự không chắc chắn còn khá lớn trong năm nay do sự cải thiện gần đây về chất lượng cây trồng. Thị trường đang so sánh với tình trạng cây trồng năm 2012. Tỉ lệ diện tích ngô bị hạn hán ở Mỹ đạt mức cao nhất từ đầu niên vụ 2022/23 là là 70% vào giữa tháng 6. Sau 3 tuần liên tiếp thời tiết cải thiện trên khắp các vùng sản xuất chính của Mỹ, hạn hán hiện đang ảnh hưởng tới 55% sản lượng ngô của nước này. Vào tháng 6 năm 2012, tỉ lệ này được ghi nhận là 41%. Tuy nhiên, khác với năm nay, thời tiết đã ảnh hưởng mạnh và lan rộng sau đó khiến diện tích khô hạn nhanh chóng mở rộng lên gần 85% cho tới tháng 8/2012.
Về chất lượng, sau khi đạt giá trị thấp nhất trong niên vụ 22/23 vụ cách đây 4 tuần (50%), USDA cho biết 57% sản lượng ngô của Mỹ hiện được xếp hạng tốt – tuyệt vời. Cùng thời điểm này trong vụ mùa năm 2012, con số này chỉ đạt 26%. Trong báo cáo Cung - cầu 7, USDA hạ dự báo năng suất ngô Mỹ niên vụ 23/24 xuống 4 giạ/mẫu dựa trên tình trạng khô hạn ở các khu vực trồng trọt chính. Bắt đầu từ tuần tới và tiếp tục sang đầu tháng 8, USDA sẽ tiến hành ước tính đầu tiên dựa trên khảo sát về sản lượng ngô năm 2023. Chúng tôi cho rằng cho đến nay, thời tiết vẫn là yếu tố hạn chế hỗ trợ giá. 

Tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil có thể tiếp tục gây áp lực lên giá
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/07, giá cả hai mặt hàng cà phê đều quay đầu suy yếu với mức giảm gần 1% so với tham chiếu. Tiến độ thu hoạch cà phê tích cực tại Brazil, thúc đẩy nông dân nước này đẩy mạnh bán hàng, từ đó giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Sự mở rộng của tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn còn khá yếu. Báo cáo kết thúc phiên giao dịch 25/07 cho biết, 4.271 bao Arabica loại 60kg đã được phân loại lại nhưng chỉ có 1.613 bao thông qua. Số bao thông qua giúp tổng lượng cà phê lưu trữ trên Sở ICE gia tăng 193 bao, lên mức 532.248 bao sau phiên hôm qua. Như vậy, số bao chờ phân loại tiếp hiện nay chỉ còn 275 bao, rất khó để dữ liệu này có thể duy trì sự khởi sắc.
Dù vậy, thị trường vẫn có cái nhìn rất tích cực về nguồn cung cà phê niên vụ 2023/24 của Brazil. Giới quan sát nhận định tiến độ thu hoạch cà phê tại quốc gia cung ứng lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tích cực hơn so với niêm vụ trước khi thời tiết diễn biến khô ráo. Sản lượng vụ mới sẵn có phần nào thúc đẩy nông dân đẩy mạnh bán hàng.

Giá đồng có thể giảm nếu Fed cho thấy động thái “diều hâu”
Giá đồng biến động nhẹ trong sáng nay do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) diễn ra vào đêm nay. Tâm điểm của thị trường không chỉ hướng tới quyết định lãi suất trong cuộc họp lần này mà còn cả những manh mối về chính sách tiền tệ trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Với khoảng 99% số nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng này, theo công cụ FedWatch của CME Group, kịch bản này dường như đã chuẩn bị trước. Do đó, nếu Fed công bố mức tăng 25 điểm cơ bản, điều này sẽ không gây bất ngờ cho thị trường.
Thay vào đó, giới đầu tư sẽ quan tâm hơn tới lộ trình lãi suất của Fed trong thời gian tới. Nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục nhấn mạnh đây chưa phải mức đỉnh lãi suất và cần tiếp tục tăng thêm để kiểm soát lạm phát. Áp lực lãi suất cao đè nặng lên nền kinh tế Mỹ khiến cho rủi ro suy thoái tiềm ẩn, do đó, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng có thể gặp áp lực. Ngược lại, nếu Fed phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất, giá đồng sẽ được hỗ trợ.
Tuy vậy, trước khi cuộc họp Fed diễn ra, giá đồng nhiều khả năng sẽ bị chi phối bơi dữ liệu kinh tế mới của Mỹ. Loạt dữ liệu tiết lộ về lĩnh vực bất động sản của Mỹ bao gồm giấy phép xây dựng và doanh số bán nhà mới sẽ được công bố vào tối nay. Cả hai số liệu đều được giới phân tích dự báo giảm mạnh so với dữ liệu trước đó.
Nếu số liệu được công bố giảm như dự đoán, sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản tại Mỹ có thể làm suy yếu lực mua đồng trong phiên.

Giá dầu WTI có thể giảm khi các nhà đầu tư thận trọng trước họp Fed
Giá dầu sau khi tiến sát vùng kháng cự 80 USD/thùng, đã quay đầu giảm nhẹ do lực bán chốt lời, đồng thời các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn trước thềm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay.
Có hai yếu tố ảnh hưởng mạnh tới giá dầu trong phiên hôm nay, gồm báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và cuộc họp của Fed.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 1,32 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/07, trái với dự báo giảm của thị trường. Nhiều khả năng báo cáo của EIA cũng sẽ cho thấy mức tồn kho gia tăng, và điều này sẽ cản trở đà tăng hiện tại của giá dầu, nhất là khi giá đang ở vùng “nhạy cảm” quá mua.
Tuy nhiên, tồn kho xăng có thể giảm trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ đang tăng mạnh, phản ánh nhu cầu cao trong giai đoạn mùa hè. Theo AAA Gas Prices, giá xăng trung bình của Mỹ hiện đang ở mức 3,636 USD/galloon, cao hơn 0,07 USD/galloon so với tuần trước và cũng cao hơn 0,06 USD/galloon so với mức trung bình tháng trước. Do đó, trường hợp tồn kho sản phẩm nhiên liệu giảm mạnh sẽ lại là yếu tố “bullish” cho giá dầu.
Tâm điểm thị trường sẽ hướng về cuộc họp của Fed. Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, nên điều thị trường quan tâm hơn sẽ là Fed nói gì về kế hoạch sắp tới.
Với việc giá xăng dầu tăng trở lại do nguồn cung thắt chặt và giá nông sản, thực phẩm tăng trở lại trước rủi ro tại khu vực Biển Đen, sẽ khiến bài toán kiểm soát lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn. Nhất là khi sự hạ nhiệt lạm phát hiện tại của Mỹ là nhờ sự đóng góp khá lớn của đà giảm giá các mặt hàng này trong giai đoạn trước, vì lạm phát cơ bản (hay lạm phát lõi) vẫn ở mức cao.
Do đó, Fed có thể sẽ tiếp tục đưa ra các giọng điệu “diều hâu” đối với kế hoạch lãi suất trong thời gian tới. Trong kịch bản này, phần lớn các nhà đầu tư cho rằng đêm nay là lần tăng cuối cùng của Fed sẽ thất vọng, đồng USD có thể tăng trở lại và giá dầu có thể gặp áp lực.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc