Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam: Cầu nối thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quảNgày 16/5, Bộ Công Thương công bố "Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023"
TS.Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương trước thềm Bộ Công Thương công bố "Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023".
Thưa ông, ngày 16/5, Bộ Công Thương công bố "Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023". Đây là lần thứ 8, Báo cáo này được công bố. Ông đánh giá như thế nào về các báo cáo đã ra mắt ?
Hiện tôi chưa được cầm Báo cáo mới nhất trong tay (Báo cáo năm 2023), nhưng với 7 kỳ báo cáo vừa qua, có thể thấy, đây là một Báo cáo tương đối đầy đủ không chỉ riêng các hoạt động xuất nhập khẩu mà cả các hoạt động quản lý của các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương và các Bộ ngành khác.
Báo cáo cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích, bao trùm nội dung rất rộng. Sau mỗi lần Báo cáo được công bố, nhiều phóng viên đã liên hệ để phỏng vấn tôi về nhiều khía cạnh khác nhau.
Theo đó, Báo cáo không chỉ đề cập về số liệu xuất nhập khẩu theo mặt hàng, theo quốc gia, theo thị trường, mà trong Báo cáo còn nêu ra những vướng mắc, trở ngại và những khó khăn mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải đối mặt, sẽ phải xử lý khi giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể thấy, Báo cáo là tài liệu tham khảo rất có giá trị đối với nhiều đối tượng, trong đó, có cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu kinh tế, các chuyên gia, doanh nghiệp,….
Trong báo cáo có đưa thông tin về số liệu, "bảng xếp hạng" xuất nhập khẩu của các địa phương khiến nhiều người liên tưởng đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…, ông bình luận gì về việc này?
Có thể thấy, Báo cáo không chỉ nêu con số tổng xuất nhập khẩu của cả nước mà còn nêu con số của từng địa phương. Tuy nhiên, câu chuyện xuất nhập khẩu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc thù của từng địa phương. Theo đó, có những địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên; có những địa phương là đầu tàu kinh tế của cả nước, hay trung tâm kinh tế trọng điểm,… những yếu tố này tác động rất lớn đến kim ngạch xuất nhập khẩu của địa phương đó.
Tất nhiên, thông tin số liệu Báo cáo đưa ra về kim ngạch xuất nhập khẩu của từng địa phương cũng rất quan trọng, để chúng ta nắm được bức tranh tổng thể và của từng địa phương, đồng thời, thể hiện tính đa dạng của báo cáo. Nhưng từ con số báo cáo để đánh giá xếp hạng các địa phương thì như tôi nói ở trên, chúng ta cần phải tính đến các yếu tố đặc thù.
Dù vậy, các con số được công bố cũng thể hiện phần nào khả năng và tiềm lực của địa phương đó về công tác xuất nhập khẩu, liên quan đến cơ chế chính sách thu hút FDI. Bởi xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu là từ các doanh nghiệp khối này.
Tất nhiên, việc này không dễ bởi các địa phương có những đặc thù khác nhau, có những địa phương rất thuận lợi nhưng có những địa phương hoạt động xuất nhập khẩu rất khó, ví dụ các địa phương khu vực miền núi phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì nó vẫn cho thấy bức tranh về tiềm lực và tiềm năng của các tỉnh. Ví dụ, Hà Giang năm nay có thể xuất khẩu không được nhiều nhưng sang năm họ lại xuất khẩu được nhiều.
Hiện nay chúng ta có nhiều chỉ số đánh giá các địa phương, ví dụ như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bên cạnh chỉ số PCI, từ năm 2023 họ còn có chỉ số PGI (Chỉ số Xanh cấp tỉnh) – tức là đưa tiêu chí xanh vào để đánh giá. Do đó, đánh giá năng lực xuất nhập khẩu của các địa phương, tôi cho rằng, bên cạnh con số về xuất nhập khẩu, chúng ta cũng có thể đưa thêm các Chỉ tiêu xanh vào, bởi đây là yếu tố quan trọng, rất nhiều thị trường xuất khẩu đang yêu cầu.
Ông có kiến nghị hay góp ý gì để báo cáo có thể được hoàn thiện hơn nữa?
Tôi mong rằng chất lượng của Báo cáo sẽ ngày càng được nâng cao hơn nữa. Bởi hiện nay, Báo cáo mới chủ yếu tập trung nêu sự việc, nêu số liệu và tình hình. Việc có thêm những phân tích, đánh giá sơ bộ và có những khuyến nghị sẽ giúp Báo cáo được hoàn thiện hơn.
Tất nhiên, như tôi nêu ở trên, các thông tin được đưa ra trong Báo cáo là tương đối đầy đủ. Nhưng tôi nhấn mạnh việc đánh giá, khuyến nghị cần phải được tăng cường thêm.
Mặt khác, trong báo cáo nêu một số điểm yếu, điểm tồn tại nhưng chưa nhiều. Những vấn đề này cần được đề cập một cách mạnh mẽ, khách quan, chi tiết hơn. Báo cáo không chỉ nêu những kết quả mà còn nên nêu cả những tồn tại và đề xuất các biện pháp khắc phục, đồng thời mạnh dạn đề xuất chính sách với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Khi đó, chất lượng báo cáo sẽ được nâng lên một tầm mới.
Năm 2023 khép lại với những mảng màu sáng tối đan xen của hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Ông nhận định như thế nào về bức tranh xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu hàng hóa nói riêng trong năm nay?
Có thể thấy, năm 2023 là năm cực kỳ khăn cho công tác xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đây cũng là lần 2 chúng ta ghi nhận sự tăng trưởng âm về xuất nhập khẩu sau gần 40 năm đổi mới (lần đầu Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng âm về xuất nhập khẩu là năm 2009). Nguyên nhân thì đã được chúng ta nhắc đi, nhắc lại rất nhiều trong suốt năm qua.
Mặc dù kinh tế thế giới được nhận định chưa phục hồi và còn nhiều biến động do cạnh tranh và các vấn đề địa chính trị, tuy nhiên, tôi cho rằng, năm 2024 được đánh giá khả quan hơn cho công tác xuất nhập khẩu. Theo đó, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ phục hồi nhẹ trở lại. Nguyên nhân được chỉ ra đó là lạm phát ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU bắt đầu giảm dù chưa nhiều. Ngân hàng Trung ương các nước đã ngừng tăng lãi suất và có thể từ tháng 6 hoặc tháng 7 tới, nhiều nền kinh tế lớn sẽ giảm lãi suất, khi đó, kinh tế thế giới sẽ bắt đầu nhích dần lên.
Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thế giới. Cầu thế giới tăng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng và nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ tăng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trong suốt 2022 và cả năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tại nhiều nước không cao, lạm phát cao, lãi suất cao, nhiều nhà mua hàng tại các nước tạm dừng nhập khẩu, họ dùng hàng tồn kho để bán ra. Đến nay, lượng hàng tồn kho đã cạn, họ phải nhập khẩu trở lại, cầu thế giới bắt đầu tăng lên đôi chút. Cộng những yếu tố này lại giúp xuất khẩu của chúng ta hiện nay ở một số mặt hàng tăng tương đối, nhất là các mặt hàng tiêu dùng.
Với những phân tích nêu trên, tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi. 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, tôi tin tưởng rằng, xuất khẩu hàng hóa cả năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2024 mà Bộ Công Thương đã đặt ra.
Xin cám ơn ông!
‘Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023’ sẽ được Bộ Công Thương công bố vào ngày 16/5 tại Hà Nội.
Đây là ấn phẩm thường niên được Bộ Công Thương phát hành từ năm 2016 đến nay. Báo cáo cung cấp cái nhìn tổng quan về bức tranh xuất nhập khẩu trong cả một năm bao gồm: Tình hình xuất nhập khẩu theo từng mặt hàng, theo các thị trường cụ thể, đồng thời cũng là cái nhìn tổng quan về tất cả những hoạt động quản lý nhà nước, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong năm đó.
Nguồn:Nguyễn Hạnh/congthuong.vn