menu search
Đóng menu
Đóng

Kết thúc năm 2016, nhập khẩu phân bón giảm cả lượng và trị giá

15:54 08/02/2017

Vinanet - Trung Quốc là thị trường chủ lực cung cấp phân bón cho Việt Nam trong năm 2016, chiếm tới 46% tổng lượng phân bón nhập khẩu.

Tháng cuối năm 2016, cả nước đã nhập khẩu 496,5 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 124,4 triệu USD, tăng 35,6% về lượng và tăng 36% về trị giá so với tháng 11, nâng lượng phân bón nhập khẩu cả năm 2016 lên 4,1 triệu tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, giảm 7% về lượng và giảm 21% về trị giá so với năm 2015.

Năm 2016, trong số thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam Trung Quốc nổi lên là thị trường chủ lực, chiếm tới 46% tổng lượng phân bón nhập khẩu, với 1,9 triệu tấn, trị giá 467,7 triệu USD, tuy nhiên tốc độ nhập khẩu phân bón từ thị trường này của Việt Nam trong năm qua đều suy giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 16,4% và giảm 29,17% so với năm 2015.

Nguồn cung lớn đứng thứ hai sau thị trường Trung Quốc là Nga, với 359,5 nghìn tấn, trị giá 118,6 triệu USD, giảm 12,17% về lượng và giảm 24,24% về trị giá, kế đến là Indonesia với lượng nhập 304,1 nghìn tấn, trị giá 69,4 triệu USD, tăng 39,47% về lượng và tăng 4,7% về trị giá so với năm trước…

Ngoài ba thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường như: Thái Lan, Philippines, Ixarel… đáng chú ý lượng phân bón nhập khẩu từ hai thị trường Thái Lan và Philippines tuy chỉ đạt 46,4 nghìn tấn và 22,5 nghìn tấn nhưng so với năm trước, tốc độ nhập khẩu phân bón từ hai thị trường này lại tăng mạnh vượt trội, tăng 251,43% và tăng 272,5%.

Nhìn chung, năm 2016, lượng phân bón nhập khẩu từ các thị trường với tốc độ tăng trưởng dương chiếm phần lớn, tới 69% và ngược lại nhập từ các thị trường với tốc độ suy giảm chỉ chiếm 31,25% và nhập từ Nhật Bản là giảm mạnh nhất, giảm 29,32%, tương ứng với 172,5 nghìn tấn.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu phân bón năm 2016

Thị trường

Năm 2016

So với năm 2015 (%)

Lượng (Tấn)

Trị giá (USD)

Lượng

Trị giá

Tổng

4.196.588

1.125.257.041

-6,85

-20,78

Trung Quốc

1.919.010

467.705.846

-16,40

-29,17

Nga

359.517

118.658.403

-12,17

-24,34

Indonesia

304.107

69.405.961

39,47

4,70

Canada

177.246

52.689.521

10,78

-4,52

Nhật Bản

172.500

22.621.045

-29,32

-40,81

Ixrael

146.238

46.055.842

103,90

72,80

Hàn Quốc

140.861

58.676.566

-17,12

-21,88

Đài Loan

97.292

15.088.014

27,37

0,87

Malaysia

94.811

23.299.211

13,98

-9,05

Bỉ

47.234

18.425.427

20,85

-7,86

Thái Lan

46.441

9.361.974

251,43

121,03

Nauy

35.058

13.990.456

18,58

1,57

Đức

23.910

10.300.299

37,58

13,70

Philippin

22.500

8.566.008

272,52

151,68

Hoa Kỳ

5.790

12.202.154

-2,49

-7,99

Ấn Độ

3.007

6.407.924

1,76

-5,55

Dẫn nguồn thông tin từ moit.gov.vn, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương liên quan việc cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón Ure, Phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa ba nguyên tố cấu thành nitơ, phospho và kali.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tinh thần Nghị quyết số 19-2006/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ và phù hợp với Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc bãi bỏ chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động và không quy định cửa nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón Ure, Phân khoáng hoặc phân hoá học có chứa ba nguyên tố cấu thành nitơ, phospho và kali (phương án 2).

Trước đó, ngày 15 tháng 10 năm 2014, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 35/2014/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón.

Thông tư này quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón thuộc Danh mục quy định. Phân bón tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh; Phân bón nhập khẩu để khảo nghiệm, làm hàng mẫu, nghiên cứu khoa học là những trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Theo Thông tư, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu tự động phải tuân thủ các nội dung như: Thương nhân gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép nhập khẩu tự động tới địa chỉ Cơ quan cấp phép theo đường bưu điện. Ngày tiếp nhận hồ sơ được tính theo ngày ghi trên dấu công văn đến. Thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu tự động là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp phép xem xét, cấp Giấy phép nhập khẩu tự động cho thương nhân; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp phép có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Giấy phép nhập khẩu tự động được gửi cho thương nhân theo đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên Đơn đăng ký.

Bên cạnh đó, khi làm thủ tục nhập khẩu, thương nhân phải nộp cho Cơ quan hải quan Giấy phép nhập khẩu tự động đã được cấp cùng với bộ hồ sơ nhập khẩu theo quy định hiện hành và phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành. Phân bón thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Thông tư này chỉ được nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính. Trường hợp đặc biệt, việc nhập khẩu phân bón thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Thông tư này qua cửa khẩu phụ, lối mở phải có văn bản cho phép của Bộ Công Thương.

Nguồn: VITIC/moit.gov.vn

 

Nguồn:Vinanet