Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 103 thị trường trên thế giới.
CÁ NGỪ VIỆT NAM ĐỨNG THỨ HAI TẠI THỊ TRƯỜNG MỸ
Tại Mỹ, sau khi triển khai tiêm vaccine nhanh chóng cho người dân thì nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng, các chuỗi dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn… được mở cửa trở lại đang làm tăng nhu cầu tiêu thụ cá ngừ ở thị trường này. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt 153 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, tính trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ.
Tại phân khúc thị trường filet cá ngừ đông lạnh Mỹ năm 2021, các sản phẩm của Việt Nam có giá cạnh tranh tốt và tương đối ổn định so với các nước Philippine, Indonesia, Thái Lan. Với nhóm sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, trong năm nay giá xuất khẩu trung bình các sản phẩm từ Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn so với các đối thủ như Thái Lan, Ecuador, Mauritius. Điều này, đang khiến Ecuador đang giành bớt thị phần của Việt Nam tại Mỹ.
Hiện tại, giá cước vận chuyển tăng mạnh, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp cá ngừ từ Châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thị trường Mỹ. Do đó, mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt nam sang thị trường này vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.
KHỚI SẮC TẠI THỊ TRƯỜNG EU
Tính riêng trong tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường EU đạt gần 13 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ. Con số này đã nâng tổng giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2021 lên hơn 74 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ. EU tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ hai của Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ sang Tây Ban Nha trong tháng 6/2021 tăng trưởng với tốc độ “phi mã” tới 971% so với cùng kỳ. Kết quả này đã đưa Tây Ban Nha vượt lên trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 3 trong khối EU của Việt Nam.
Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang EU trong 6 tháng đầu năm, nhóm sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh (mã HS03) tăng 64%; nhóm sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, sản phẩm filet cá ngừ đông lạnh (mã HS0304) giảm 6,4% và cá sản phẩm cá ngừ chế biến khác (mã HS16) giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã cho phép xóa bỏ thuế quan cho sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ filet cá ngừ đông lạnh) và 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, điều này đã tạo ra sức hút cho các sản phẩm này của Việt Nam đối với các nhà nhập khẩu cá ngừ EU.
Tại thị trường EU, Việt Nam từ vị trí là nguồn cung cá ngừ ngoài khối EU lớn thứ 7 trong năm 2020, đã vươn lên trở thành nguồn cung lớn thứ 4 vào nửa đầu năm 2021.
Tác động của đại dịch Covid-19 vẫn khiến cho nguồn cùng cá ngừ cho thị trường này bị hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh phí vận chuyển tăng cao, thì việc các sản phẩm cá ngừ Việt Nam được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, đã khiến cho nhiều nhà nhập khẩu lựa chọn nguồn cung cá ngừ từ Việt Nam.
TĂNG TRƯỞNG 16% Ở KHỐI THỊ TRƯỜNG CPTPP
Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường khối CPTPP đạt 46 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 6/2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường lớn nhất khối là Canada đã tăng gần 201%, đạt 3,6 triệu USD. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đang ngày càng tăng tốc.
Một thị trường nổi bật khác trong khối thị trường CPTPP trong 6 tháng đầu năm nay là Mexico có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng trong tháng 6 với 157%, đạt 1,3 triệu USD. Sau khi sụt giảm liên tục trong quý 1/2021, xuất khẩu cá ngừ sang Mexico đã tăng trưởng liên tục. Tính đến hết tháng 6, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mexico đặt hơn 6 triệu USD, tănng 53% so với cùng kỳ.
Ngoài các thị trường chính, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang một số thị trường nhỏ đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ như: Nga tăng 70%, Ukraina tăng 100%, Li Băng tăng 35%, Hàn Quốc tăng 87%, Argentina tăng 79%.
DỰ BÁO 6 THÁNG CUỐI NĂM
Thành công của xuất khẩu cá ngừ trong việc vượt khó để tăng trưởng, có sự đóng góp rất lớn của top 10 doạnh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam. Các doanh nghiệp này chiếm hơn 58% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước.
Tuy nhiên, VASEP dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sẽ chậm lại trong những tháng tói. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, chi phí vận chuyển tăng đang khiến cho rất nhiều đơn hàng bị dồn ứ lại không xuất khẩu được.
Bên cạnh đó, mới đây, khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM đã lan ra nhiều địa phương thì sản xuất của các doanh nghiệp cá ngừ bị ảnh hưởng do công nhân và người lao động tại các nhà máy chưa được tiêm vaccine.
Do vậy, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp cá ngừ thời điểm này chính là sớm được ưu tiên tiếp cận nguồn vaccine bởi đặc thù ngành thủy sản làm việc chủ yếu trong môi trường lạnh thì mối nguy lây nhiễm càng lớn.
Với tình hình như hiện nay, nhiều chuyên gia đang dự đoán xuất khẩu cá ngừ trong quý tới khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như nửa đầu năm.
Nguồn:Chu Khôi/VnEconomy