Theo ông Trương Văn Cẩm, mặc dù là ngành công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu nhất, nhì cả nước nhưng hiện nay, DN Dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí..
Đặc biệt, tiền tăng lương tối thiểu vùng chỉ tính từ 1/1/2010 đến nay đã tăng 2,2-2,3 lần.
Việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm đã ảnh hưởng lớn đến DN.
Hiện nay, DN phải trích nộp 24% gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,..bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn, người lao động phải đóng 10,5% và 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn. Số tiền người lao động đóng thực chất DN cũng phải lo để người lao động có tiền lương thực tế đủ trang trải, cải thiện cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp.
Với mức đóng như hiện nay, DN và người lao động tại vùng phải đóng bình quân khoảng 900.000 đồng/tháng đối với các doanh nghiệp còn áp dụng thang và tăng tối thiểu 1,3 triệu đồng/tháng/người khi phải chuyển đổi sang bảng lương theo NĐ 49/2013/NĐ-CP.
Khi lương tối thiểu vùng 2016 tăng mức đóng sẽ tăng lên tương ứng. Đặc biệt, theo luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016, thì mức đóng sẽ căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này còn tăng khoảng 30%.
“Hiệp hội đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp, tất cả các doanh nghiệp đều không đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng, thậm chí còn cho rằng không nên tăng.
Nếu tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp trưng dụng hàng nghìn lao động thì các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng không thể đầu tư vào đó được vì vùng này trình độ lao động thấp, chưa quen tác phong công nghiệp dẫn đến nhà đầu tư sẽ suy nghĩ có nên đầu tư vào đó hay không.
Nếu tăng thì đề xuất khoảng cách vài năm tăng một lần, chứ tăng như thế này thì thật là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.
Ngoài ra, việc cân nhắc lại tăng lương tối thiểu, theo ông Cẩm, nhà nước cần nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng góp các khoảng bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý.
“Tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo thống kê của ngành thuế, hiện nay cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.
"Trước đây, nhiều người lầm tưởng rằng tăng lương tối thiểu người lao động được hưởng lợi song thực tế không phải như vậy. Đúng là người lao động có mức lương thấp được nâng lên nhưng chỉ chiếm 10%, còn lại doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tồn tại. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và yếu, không có lãi.
Sắp tới, khi mà các hiệp định FTA, TPP được ký kết, sức cạnh tranh gay gắt lại càng đè mạnh lên vai doanh nghiệp nếu nhà nước tăng lương tối thiểu", ông Cẩm khẳng định.
Kiều Linh