menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ với phòng vệ thương mại

15:45 30/06/2016

Trong số 1.000 doanh nghiệp (DN) của Việt Nam thì chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ về các vấn đề phòng vệ thương mại (PVTM), số còn lại không biết hoặc rất thờ ơ.

Đây là thông tin được cho biết tại Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật về PVTM và đề xuất các giải pháp hoàn thiện, do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa tổ chức ngày 29/6.

Theo bà Phạm Hương Giang - Phó Trưởng phòng Phòng Xử lý các vụ kiện PVTM (Cục Quản lý cạnh tranh), sau hơn 10 năm ban hành 3 pháp luật về tự vệ, chống bán phá giá, và chống trợ cấp, Việt Nam hiện mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống bán phá giá.

Trong khi đó, tính đến ngày 1/1/2016, số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài đã có 96 vụ, trong đó 72 vụ chống bán phá giá, 7 vụ chống trợ cấp và 17 vụ tự vệ. Tổng số vụ dẫn tới áp dụng các biện pháp PVTM là 53 vụ.

Về nguyên nhân của thực trạng trên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một phần lỗi là do DN.

Dẫn kết quả khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về PVTM ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài gần đây của VCCI, bà Trang cho biết, trong số 1.000 DN được khảo sát có 15,9% DN không hiểu; 63,21% DN có nghe nói nhưng không hiểu biết gì sâu; 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ PVTM. Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với kinh tế thế giới.

Cũng theo khảo sát này, vấn đề thông tin đang là một rào cản khá lớn đối với DN Việt Nam hiện nay khi chỉ có 3% DN nói có thể có thông tin cần thiết để đi kiện, 62% có nhưng không đầy đủ và 35% DN hoàn toàn không thể tiếp cận thông tin.

Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - cho hay, bên cạnh 6 vụ việc đã được thực hiện, tại Việt Nam còn có rất nhiều những nguy cơ được đề cập nhưng không thành hiện thực, chẳng hạn như các mặt hàng trứng gia cầm, giấy in, dầu thực vật, ống gang đúc, bột nhựa, tôn, đùi gà, tỏi…

Đây là một lĩnh vực rất mới và rất khó, ngay cả Chính phủ cũng cân nhắc rất nhiều. Đơn cử như vụ kiện tôm cũng phải mất hơn 1 năm để cân nhắc vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Riêng vụ đùi gà, năm 2015, Cục cũng phải làm việc ròng rã với Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ để hướng dẫn các thủ tục và nhận được sự đồng lòng của các bên. Nhờ vậy, Cục đã có đầy đủ yếu tố khởi kiện. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện thì DN lại không đồng ý vì nhiều lý do và cả hiệp hội cũng không còn mặn mà nên đành phải gác lại- ông Nam chia sẻ.

Để các công cụ PVTM được sử dụng hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, DN cần phải chủ động cập nhật tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt (nguyên đơn); về các nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình (bên liên quan). Các cơ quan quản lý, hiệp hội cung cấp thông tin, tăng cường hoạt động tư vấn ban đầu, định hướng cho DN để giảm chi phí, tăng cường kết nối, hướng dẫn DN.

Nguồn: Mai Ca/Báo Công Thương điện tử