menu search
Đóng menu
Đóng

Thương hiệu Quốc gia cần gắn kết với các điểm đến du lịch

21:49 13/07/2016

Sáng 13/7/2016 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương. Diễn đàn năm nay nằm trong khuôn khổ chương trình "Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2016" từ 12-17/7. Với mục tiêu đẩy mạnh công tác quảng bá cho Chương trình Thương hiệu Quốc gia, khuyến khích động viên các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia.

Diễn đàn là nơi chia sẻ mô hình xây dựng thương hiệu Quốc gia gắn với sản phẩm địa phương, vùng miền liên quan tới xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương như: gạo Điện Biên, cam Cao Phong, vải thiều Bắc Giang, Hồng không hạt Bắc Cạn.

Tại diễn đàn, các ý kiến đều thống nhất rằng: việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển thương hiệu sản phẩm khi hội nhập. Ngoài ra, việc đạt được chứng nhận sản phẩm mang "Thương hiệu Quốc gia" là một vinh dự khẳng định uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm. Bởi đây là chương trình duy nhất của Chính phủ, được tiến hành hai năm một lần với quá trình xét chọn nghiêm ngặt.

PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia Ban tư vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho rằng, để xây dựng, tạo dựng được hình ảnh cho thương hiệu Việt Nam điều đầu tiên cần phải làm là phải gắn kết chương trình thương hiệu quốc gia với các điểm đến du lịch, vì đó là nơi khách du lịch sẽ có nhiều cơ hội biết đến Thương hiệu của Việt Nam. Năm 2014 trong số 63 thương hiệu quốc gia được công nhận, chỉ có 2 thương hiệu liên quan đến du lịch.

Hiện nay, nhiều sản phẩm của chúng ta được xuất ra nước ngoài nhưng gần như không được mang thương hiệu của bất kỳ doanh nghiệp nào, từ con cá tra đến quả vải thiều... gần như tất cả sản phẩm đó đếu được ghi chung là Product of Vietnam - sản phẩm của Việt Nam, chứ không biết rõ là của công ty nào sản xuất. Rất khó để Việt Nam có một thương hiệu lớn như Coca Cola, Lacoste... vì vậy các doanh nghiệp của Việt Nam cần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong việc xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, việc khai thác tài sản trí tuệ  địa phương cũng rất cần thiết; trong đó có khai thác tri thức truyền thống bản địa và khai thác các chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam.

Để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt nam đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn tầm ra thị trường quốc tế, theo PGS.TS Lê Văn Bảnh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Mặt khác, cần có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội.

Nguồn:Vinanet