menu search
Đóng menu
Đóng

5 sự kiện mang tính bản lề của làng xe toàn cầu trong năm 2017

12:43 04/01/2018

Vinanet - Là năm bản lề đánh dấu sự thay đổi của không chỉ công nghệ truyền động mà cả phương thức di chuyển truyền thống, 2017 đã góp phần không nhỏ trong việc định hướng nền công nghiệp ô tô trong giai đoạn 10 năm sau.

Sự chuyển hướng hàng loạt sang xe điện

Năm 2016, hiếm ai ngờ được rằng thị trường ô tô toàn cầu lại chuyển mình nhanh đến vậy. Từ chỗ vẫn còn đang trong thế bí khi scandal Dieselgate của Volkswagen, xe điện bất ngờ được hãng xe Đức lựa chọn như giải pháp tình thế, kéo theo sự chuyển mình hàng loạt của nhiều ông lớn như GM, BMW hay Volvo.

Dù rằng hiện giờ doanh số xe điện vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh số ô tô toàn cầu, hàng loạt kế hoạch đầy tham vọng đã được vạch ra tương đương với hàng trăm dòng xe điện mới chuẩn bị ra mắt chỉ trong 10 năm kế tiếp. Hiện giờ, số lượng kẻ chậm chân trong phân khúc xe chạy nhiên liệu thay thế chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, mà FCA là ví dụ điển hình nhất.

Volvo sẽ có ít nhất 1 phiên bản chạy điện/hybrid cho mỗi dòng xe từ 2019. GM sẽ ra mắt 20 dòng xe điện trước 2023. Toyota cũng sẽ có ít nhất 10 mẫu xe điện mới vào đầu thập kỷ tới. Daimler đầu tư hơn 11 tỉ USD cho thương hiệu con chuyên về mảng xe điện là EQ đồng thời biến toàn bộ dòng sản phẩm Smart hiện giờ thành xe xanh. BMW cũng đang cân nhắc biến MINI thành thương hiệu thuần xe điện. Tất cả diễn biến này đều không hề được báo trước trong năm 2016.

Chỉ trong vòng 5 năm tới, sẽ có khoảng hơn 100 dòng xe điện/hybrid sạc điện sẽ ra mắt trên toàn cầu. Trở ngại duy nhất của các hãng xe bây giờ có lẽ là làm sao tìm được một hệ thống ắc quy thực sự ưng ý vừa có dung tích tốt, vừa có khả năng bền bỉ để đáp ứng khả năng vận hành liên tục mà lại không quá khó khăn trong chế tạo.

Ford: Thay tướng, đổi vận

Việc cổ phiếu Ford tụt dốc liên tục trong nhiều năm đã làm những thành tựu mà cựu CEO Mark Fields làm được trong 3 năm nhiệm kỳ bị che mờ. Trong năm 2017, với việc lợi nhuận của hãng cũng bắt đầu suy giảm, Ford đã buộc phải tìm người thay thế ông Fields và giải pháp của tập đoàn Mỹ là Jim Hackett, một cái tên vẫn còn khá xa lạ trong làng ô tô dù ông từng giữ vị trí giám đốc của Ford và dịch vụ Smart Mobility.

Giải thích cho lựa chọn của mình, Chủ tịch điều hành tập đoàn Bill Ford cho biết hãng cần thích ứng nhanh hơn, tốt hơn và quyết đoán hơn với những thay đổi của thị trường và vị tân CEO được cho là người có thể đem lại điều này.

Dưới sự lãnh đạo của vị CEO mới, Ford đã ngay lập tức chuyển hướng sang nghiên cứu xe điện, đồng thời cắt giảm được 14 tỉ USD trong chi phí vận hành đồng thời cam kết sẽ tích hợp kết nối Internet lên mọi mẫu xe Ford chỉ trong vòng 2 năm. Khoảng 7 tỉ USD đầu tư từ dòng xe du lịch cũng được chuyển sang hỗ trợ dòng xe bán tải – phân khúc nơi Ford đang thống trị thị trường Mỹ nhờ chiếc F-150.

Xe tự lái tiếp tục là điểm nóng

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chen chân vào lĩnh vực đầy mới mẻ này. Waymo thuộc Google đã bắt đầu cho chạy thử xe tự lái 100% (không cần người ở vị trí lái trong trường hợp xảy ra sự cố), đồng thời cho biết sẽ sớm cho người dân tại Mỹ sử dụng thử dịch vụ của mình. GM chuẩn bị các công đoạn để có thể ra mắt xe thương mại tự lái trên quy mô lớn tại Mỹ trong 2 năm. Ford liên kết với Domino để thử nghiệm dịch vụ giao pizza bằng xe tự lái, đồng thời cam kết ra mắt một dòng hybrid tự lái vào năm 2021. Delphi mua lại NuTonomy – một startup tự lái với giá gần 500 triệu USD và ngay sau đó liên kết với FCA, BMW, Intel và Mobileye để chế tạo khung gầm cho dòng xe này. Toyota xây dựng một trung tâm thử nghiệm xe tự lái riêng tại Detroit... Cuộc chạy đua để chiếm tiên cơ vẫn chưa dừng lại và hứa hẹn sẽ còn nóng hơn trong năm 2018.

Tesla lại gây thất vọng với Model 3

Tesla lại một lần nữa cho thấy khả năng... thất hứa của mình khi gần như chẳng có mẫu xe nào của họ ra mắt đúng thời hạn. Chiếc sedan chạy điện phổ thông đầu tiên của hãng cực kỳ được ưu ái khi đạt tới hơn 400.000 đơn đặt hàng chỉ trong 1 thời gian ngắn trước khi con số thật sự lên tới 7 đơn vị.

Tuy nhiên, CEO Elon Musk lại một lần nữa phải xin lỗi khách hàng của mình vì sự chậm trễ. Ngay cả khi bỏ qua hàng loạt công đoạn thử nghiệm khi sản xuất, Tesla cũng không thể ra mắt Model 3 đúng thời hạn. Thậm chí động thái này còn phản tác dụng khi buộc Tesla phải làm lại nhiều công đoạn từ đầu, thậm chí còn phải thực hiện thủ công.

Con số... 200 xe giao tới tay người dùng (chủ yếu là nhân viên Tesla) trong quý III có lẽ là quá đủ để phản ánh sự "nghẽn cổ chai" trong sản xuất mà Tesla đang phải đối mặt. Tuy không làm ảnh hưởng tới vị thế số 1 của họ trên thị trường xe điện toàn cầu nhưng việc thương hiệu Mỹ tiếp tục làm người dùng thất vọng không phải là một động thái tốt. Việc CEO Elon Musk quá tự tin và "ôm đồm" có thể dẫn tới những diễn biến khó lường ảnh hưởng tới sự phát triển tổng thể của Tesla.

Các dịch vụ chia sẻ xe với một năm đầy biến động

Uber lại một lần nữa "sống sót" qua năm 2017. Nhà sáng lập của họ, Travis Kalanick, đã buộc phải từ bỏ vị trí CEO vào tháng 6 vì công ty phải đối mặt với quá nhiều cáo buộc về tình trạng phân biệt giới tính và quấy rối tình dục. Tại Mỹ, Uber bị bộ Tư pháp điều tra vì phần mềm Greyball, cho phép họ "cấm" các quan chức chính phủ sử dụng Uber nếu phần mềm này cảm thấy họ đang điều tra hoạt động của hãng.

Trong tháng 11, Uber thừa nhận bị đánh cắp dữ liệu của 57 triệu người dùng và phải trả tiền cho hacker để xóa chúng – động thái chỉ được thực hiện sau khi hãng không thể giấu kín bí mật này. Thậm chí đến tận cuối năm, Uber còn bị giáng 1 đòn mạnh tại châu Âu sau khi tòa án tối cao của EU ra phán quyết cho rằng họ là 1 dịch vụ taxi thay vì chỉ là ứng dụng công nghệ - điều sẽ khiến Uber phải đối mặt với rất nhiều quy định ngặt nghèo thay vì "tự do" như vài tháng trước đây.

Trái lại, các dịch vụ chia sẻ xe khác như Lyft lại có một năm yên ả và phần nào đó thành công khi tìm kiếm được các đối tác mới, đạt mức tăng trưởng khả quan đồng thời vạch sẵn lộ trình trong tương lai liên quan tới dòng xe tự lái.

Nguồn: Lê Việt/Autopro