Chi phí tăng
Theo các DN, với quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá VND thêm 1% so với USD, đồng thời cũng tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%, có hiệu lực từ ngày 19/8, thì chỉ trong vòng 1 tuần, tỷ giá VND so với USD đã tăng thêm mức 3%. Với mức điều chỉnh này, cũng có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu bằng USD chịu chi phí tăng thêm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tỷ giá VND với USD, vào các ngày 7/1/2015 và 7/5/2015 với tổng mức điều chỉnh là 2%. Như vậy, tính từ đầu năm, VND đã mất giá đáng kể so với USD.
Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Toyota Việt Nam tăng giá một số dòng sản phẩm lắp ráp và nhập khẩu vào ngày 2/3/2015. Các dòng xe Altis, Vios, Innova, Fortuner tăng từ 8-23 triệu đồng/xe tùy loại. Các dòng xe nhập khẩu Yaris, Hiace, Hilux tăng từ 13-24 triệu đồng/xe.
|
Toyota Yaris
|
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, việc thay đổi giá là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, bao gồm sự thay đổi về thuế, tỷ giá, chi phí sản xuất...
Còn lại, hầu hết các DN sản xuất lắp ráp ô tô cũng như nhập khẩu không tăng giá xe. Thậm chí, Công ty ô tô Trường Hải trong 6 tháng đầu năm 2015 đã giảm giá hầu hết các sản phẩm và có thêm khuyến mãi cho khách hàng.
Tuy nhiên, với 2 lần điều chỉnh tỷ giá đợt này đã gây sức ép lên giá xe, làm cho chi phí nhập khẩu linh kiện và xe nguyên chiếc, thanh toán bằng đồng USD tăng lên.
Về nguyên tắc, nếu tỷ giá giữa VND với USD điều chỉnh tăng 1%, thì chi phí nhập khẩu xe cũng tăng 1%. Tương tự như vậy là với bộ linh kiện nhập khẩu.
Theo tính toán, sau 2 đợt điều chỉnh tỷ giá tăng, nới biên độ tỷ giá vào ngày 12/8 và 19/8 vừa qua, các DN ô tô có thể bị tăng thêm chi phí từ 500-600 triệu đồng, cho một đơn hàng nhập khẩu trị giá 1 triệu USD.
Như vậy, một chiếc xe có giá 20.000 USD sẽ tăng thêm 600 USD, còn với xe sang, có giá trị từ 100.000 USD trở lên, giá sẽ tăng thêm khoảng 3.000 USD/xe trở lên. Đấy là chưa kể việc điều chỉnh tỷ giá VND tăng 2% so với USD thời gian 6 tháng đầu năm 2015.
Tăng giá xe cũng khó
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, từ đầu năm đến nay, giá xe Hyundai nhập khẩu vẫn giữ ổn định so với 2014. Trong hơn 7 tháng qua, mặc dù tỷ giá VND so với USD đã được điều chỉnh 2 lần và giá thành xe nhập khẩu đã tăng khoảng 2%. Nhưng do thực hiện tiết giảm tối đa các chi phí hoạt động, nên Hyundai Thành Công vẫn giữ được giá bán không tăng.
Với 2 lần điều chỉnh gần đây, đã làm cho giá xe nhập tăng thêm khoảng 3% nữa, khiến DN không thể giữ được giá bán ổn định, mà phải xem xét điều chỉnh tăng. Mặc dù thời gian này đang rơi vào tháng "cô hồn", nhu cầu về ô tô giảm thấp nhất trong năm, nếu tăng giá thì doanh số càng sụt giảm mạnh.
Hầu hết các DN ô tô đều khẳng định, sẽ điều chỉnh giá bán xe, tỷ giá thay đổi, tuy nhiên mức tăng bao nhiêu và khi nào tăng, vẫn chưa tiết lộ. Một DN ô tô FDI cho biết, có lẽ phải qua tháng 7 âm lịch mới có thông báo về giá xe mới. Bởi hiện tại nhu cầu đang giảm thấp, tăng giá sẽ càng làm cho doanh số sụt giảm. Hơn nữa vẫn phải nhìn động thái từ các DN khác. Nếu nhiều DN cùng đồng loạt tăng giá thì mới tăng.
Tuy nhiên, cũng có DN đã quyết định không tăng giá bán xe. Theo ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Công ty ô tô Trường Hải, DN này quyết định không tăng giá bán xe, dù tỷ giá đã được điều chỉnh tăng mạnh. Lý do là để giữ không bị sụt giảm về doanh số.
Mặc dù vậy, Trường Hải sẽ cắt giảm khuyến mãi ưu đãi về giá, Hiện đang có chương trình ưu đãi trong tháng 8 dành cho xe Kia, nhằm tăng doanh số tháng "cô hồn". Tuy nhiên, từ 1/9, giá bán lẻ một số mẫu xe sẽ cao hơn, từ 2 triệu đến 10 triệu đồng so với tháng 8.
Trong khi đó, các DN nhập khẩu xe từ khu vực châu Âu, thanh toán bằng đồng Euro, cho biết không bị ảnh hưởng.
Hiện tỷ giá Euro với VND ở mức 24.700 đồng, mất giá khoảng 10% so với cùng kỳ 2014 và nhập khẩu ô tô từ khu vực châu Âu về Việt Nam đang được hưởng lợi. Euro mất giá mạnh thời gian qua, khiến cho giá nhập khẩu ô tô từ các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu, cụ thể là Pháp và Đức, giảm mạnh, một số mẫu xe đã giảm giá cả trăm triệu đồng.
Theo Trần Thủy
Vietnamnet
Nguồn:Vietnamnet