menu search
Đóng menu
Đóng

Ưu đãi trước bạ có giúp “kích” thị trường ô tô?

09:32 16/09/2020

Để kích cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, Chính phủ đã ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ 28/6).
Cùng với đó các hãng vẫn tiếp tục miệt mài khuyến mại, giảm giá sâu. Tuy nhiên các giải pháp này vẫn chưa đủ để “kéo” doanh số đi lên khi thị trường ô tô khi rơi vào giai đoạn tháng Ngâu và tâm lý người mua thắt chặt chi tiêu.

Sản xuất ô tô trong nước vẫn đang gặp khó

Số liệu cập nhật nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các doanh nghiệp ngoài VAMA cho thấy, tháng 8, tình hình kinh doanh tiêu thụ sản phẩm ô tô trên thị trường vẫn chưa mấy sáng sủa.
Tính riêng các thành viên thuộc VAMA, tháng 8 chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng doanh số bán khi chỉ có 19.601 xe được bán ra, giảm 14% so với tháng trước đó (giảm 4% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó doanh số xe du lịch giảm 12%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 20%. Đáng lưu ý dù được trợ lực từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ, sản lượng của xe lắp ráp trong nước vẫn giảm tới 20% khi chỉ đạt 12.869 xe (xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.786 xe, giảm 2%).
Tháng 8, tính thêm 5.367 xe của TC MOTOR (doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu Hyundai, chiếm thị phần lớn trên thị trường xe du lịch Việt Nam với trên 40.987 xe trong 8 tháng qua) thị trường đã tiêu thụ được 24.977 xe, giảm khoảng 24%.
Thực tế, lượng xe tiêu thụ có lớn hơn do các doanh nghiệp ô tô khác không phải là thành viên của VAMA chưa công bố số liệu bán hàng cụ thể. Tuy nhiên, sụt giảm là tình trạng chung của toàn thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 8 nói riêng và 8 tháng năm 2020 nói chung.
Ưu đãi mạnh tay, khách vẫn ngoảnh mặt
Không còn giải pháp gì khác, để kích cầu tiêu dùng, hầu hết các thương hiệu ô tô trên thị trường Việt Nam đều đã và đang áp dụng các chương trình ưu đãi với mức “khủng” được xem là chưa từng có.
Đơn cử như mẫu Fortuner được Toyota ưu đãi tới 55 triệu đồng (gồm bảo hiểm thân vỏ và bảo dưỡng 3 năm miễn phí) cho khách hàng. Chưa kể đây là mẫu xe lắp trong nước nên còn được hưởng mức ưu đãi phí trước bạ vào khoảng 70 triệu đồng, tính ra mua xe dịp này khách hàng “tiết kiệm” tới 125 triệu đồng.
Ưu đãi “khủng” tới mức chưa từng có, đến từ VinFast, nhà sản xuất này giảm giá từ 50 triệu đồng (đối với Lux SA2.0 cao cấp) và 150 triệu đồng (đối với Lux SA2.0 tiêu chuẩn). Trước đó VinFast đang áp dụng hàng loạt các ưu đãi khác cho khách hàng khiến các mẫu xe có giá giảm “kỷ lục”, đơn cử như Lux SA2.0) có thể giảm tới 600 triệu đồng.
Trong tháng 8, mẫu xe SUV Everest sản xuất năm 2019 cũng được các đại lý của Ford giảm giá “kịch sàn”. Trong đó, Ford Everest phiên bản Titanium 2.0L AT 4WD giảm tiền mặt 200 triệu đồng kéo giá xe hiện xuống còn 1,199 tỷ đồng, thấp chưa từng thấy. Các phiên bản Ambiente 2.0L MT 4x2, Ambiente 2.0L AT 4x2, Trend 2.0L AT 4x2 và Titanium 2.0L AT 4x2 của Ford Everest cũng đang có mức giảm từ 70 triệu đồng đến 120 triệu đồng. Cùng với Ford Everest, Ford Explorer cũng được giảm tới gần 100 triệu đồng dịp này.
Hyundai Kona phiên bản tiêu chuẩn giảm 13 triệu đồng, Kona phiên bản đặc biệt giảm 15 triệu đồng và bản 1.6 Turbo giảm 20 triệu đồng. Kèm theo đó khách còn được tặng kèm gói phụ kiện chính hãng.
Tương tự Subaru, Volkswagen (VW) giảm 120 triệu đồng cho dòng Tiguan Allspace Luxury đời 2019 bằng hình thức hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ, đưa giá xe về mức 1,679 tỷ đồng. Bản Luxury S giá 1,869 tỷ đồng tặng gói bảo hiểm vật chất giá 30 triệu. Dòng Passat BlueMotion High giá 1,48 tỷ đồng hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, tương đương chi phí lăn bánh giảm 148-177 triệu đồng tùy khu vực.
Thậm chí một số mẫu xe mới khác vừa ra mắt, mở bán như Honda CR-V 2020, MG HS và ZS, Mazda6 2020, Suzuki Ertiga (Sport)... hiện cũng được các đại lý chào mời khuyến mãi, ưu đãi giảm giá từ 10-50 triệu đồng để thu hút người mua.
Xe mới dập dồn, mở rộng đại lý
Bất chấp thị trường đang u ám, nhưng theo kế hoạch đã được vạch ra từ nhiều tháng trước, năm trước, giai đoạn tháng Ngâu, hàng loạt mẫu xe mới liên tục ra mắt.
Cuối tháng 7, sự xuất hiện của phiên bản cao cấp bán tải Nissan Navara Black Edition A-IVI đã gây xao động thị trường.
Cũng cuối tháng 7 Toyota trình làng mẫu Wigo 2020 nhập khẩu từ Indonesia. Toyota Wigo 2020 có nhiều cải tiến song Toyota Việt Nam cũng “chỉ dám” đưa ra mức giá tăng 7 triệu với phiên bản số sàn (352 triệu đồng), và giảm 21 triệu còn bản số tự động (384 triệu đồng).
Tiếp đến là sự xuất hiện của thương hiệu mới, MG tung ra hai mẫu xe gầm cao là chiếc crossover cỡ nhỏ ZS (giá từ 518 triệu đồng đến 639 triệu đồng) và chiếc crossover tầm trung HS (giá từ 788 triệu đồng đến 999 triệu đồng).
Cùng thời điểm cuối tháng 7, Mitsubishi công bố Xpander bản AT được lắp ráp tại nhà máy tại Bình Dương. Nâng cấp nhiều tiện ích, song Mitsubishi Xpander cũng chỉ nhích tăng 10 triệu đồng so với phiên bản cũ (630 triệu),
Cũng không để chậm chân, Honda CR-V 2020 cũng được Honda Việt Nam lắp ráp và xuất xưởng tại nhà máy ở Vĩnh Phúc.
Mở đầu tháng 8 Toyota đã giới thiệu dòng xe crossover hoàn toàn mới Corolla Cross tại thị trường Việt Nam (xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan). Đây là mẫu SUV không chỉ mới tại Việt Nam mà cũng chỉ vừa xuất hiện trên thế giới cách đây khoảng 1 tháng. Mặc dù được hãng cân nhắc để ở mức giá khá cạnh tranh (3 phiên bản 1.8G, 1.8V và 1.8HV, với giá bán lần lượt 720 triệu đồng, 820 triệu đồng và 910 triệu đồng) tuy nhiên Corolla Cross chỉ đạt 217 xe bán ra.
Tiếp theo là sự bất ngờ đến từ Thaco khi tung ra chiếc crossover cỡ nhỏ Kia Seltos được lắp ráp tại nhà máy ở Chu Lai với 4 phiên bản có giá bán từ 589 triệu đồng đến 719 triệu đồng.
Trong tháng 8, liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam cũng cho ra mắt Toyota Hilux 2020 với 4 phiên bản hay VinFast cũng bất chấp tháng Ngâu tung ra thị trường mẫu xe “đặc biệt” sản xuất giới hạn mang tên President
Thị trường vẫn phập phồng tâm lý e ngại
Kết thúc tháng 8 dương lịch, thị trường cũng sắp bước qua tháng Ngâu âm lịch. Tâm lý không mua sắm tài sản lớn (trong đó có ô tô) được tháo bỏ. Tuy nhiên, về lâu dài tình hình dịch Covid-19 vẫn tạo ra những thách thức chưa thể xử lý một sớm một chiều. Đáng ngại nhất là kinh tế khó khăn, dịch bệnh khó định đoán, khiến người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt chi tiêu.
Vậy nên, dù không muốn, nhiều dự báo cho thấy, tháng 9, doanh số khó đảo chiều tăng trưởng, thậm chí có thể vẫn sụt giảm và như vậy giải pháp giảm, giá khuyến mại, ưu đãi… vẫn chưa điểm dừng.
Thị trường ô tô năm 2020, được dự đoán, sẽ tăng trưởng thấp nhất, thấp chí không tăng trưởng trong vòng 10 năm qua. Trong khi đây lại là giai đoạn các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã và đang đầu tư mạnh.
Vị trí Top 10 mẫu xe đứng đầu về cơ bản không có sự thay đổi lớn. Toyota Vios dẫn đầu với 2.153 xe; Tiếp theo là Hyundai Accent ở vị trí thứ 2 (1.393 xe bán ra); KIA Cerato thứ 3 (1.127 xe); Ford Ranger thứ 4 (1.109 chiếc); Grand i10 đứng thứ 5 (1.088 xe); Mazda CX-5 thứ 6 1.063 xe); Mitsubishi Xpander thứ 7 (943 xe, ). Honda CR-V thứ 8 (935 xe VinFast Fadil ở vị trí thứ 9 (1.494 xe) Hyundai SantaFe thứ 10 (712 xe).
Những mẫu xe phổ biến rơi vào nhóm “ế” nhất trong tháng vừa qua là Honda HR-V (13 xe), Honda Accord (24 xe), Suzuki Swift (21 xe).

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc