menu search
Đóng menu
Đóng

8 Yếu tố tác động tới xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2009

09:34 12/05/2009
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, đang và sẽ bị tác động bởi 8 yếu tố.

Thứ nhất, những yếu tố làm cho xuất khẩu 2008 tăng cao, năm nay sẽ không còn. Đó là yếu tố giá tăng so với năm trước khoảng 4 tỷ USD và tăng do tái xuất hàng hoá nhập khẩu (như sắt thép, kim loại quý, phân bón, xăng dầu…) khoảng 2 tỷ USD.

Thứ hai, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam  năm nay bị sụt giảm mạnh, do kinh tế bị suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu của Việt Nam quý I/2009 vào Mỹ đạt 2,3 tỷ USD, giảm khoảng 6,4%;  vào Liên minh châu Âu (EU) giảm khoảng 9,8%; vào ASEAN giảm khoảng 5,8%; vào Nhật Bản giảm khoảng 35%. Tính chung 4 thị trường lớn nói trên, tổng kim ngạch xuất khẩu trong quí I vừa qua đạt 7,9 tỷ USD, giảm hơn 2,2 tỉ USD, tương đương mức giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, giá cả hàng hoá xuất khẩu bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bốn tháng đầu năm, giá xuất khẩu dầu thô giảm 54%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm trên 2,3 tỉ USD; giá xuất khẩu cà phê giảm 26,4%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm 291 triệu USD. Con số tương tự đối với sản phẩm cao su xuất khẩu là 42,7% và 163 triệu USD; gạo xuất khẩu là 4% và 48 triệu USD; hạt tiêu (34% và 47 triệu USD); hạt điều (13,8% và 29 triệu USD); chè (1,8% và 1 triệu USD). Tựu trung, do giá giảm, nên tổng kim ngạch xuất khẩu 7 mặt hàng trên đã giaảmtrên 2,8 tỉ USD, bằng 32,4% tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng cùng kỳ năm trước.

Thứ , việc thắt chặt tín dụng của ngân hàng các nước đã làm cho khách hàng nhập khẩu yêu cầu trả chậm hoặc ngừng đặt hàng.

Thứ năm, hàng xuất khẩu của Việt Nam bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt bởi hàng xuất khẩu cùng loại của các nước, do nhiều yếu tố như lãi suất vay thấp hơn; Mỹ bỏ hoàn toàn hạn ngạch dệt may đối với Trung quốc…

Thứ sáu, hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng sản xuất trong nước của các nước xuất hiện nhiều hơn. EU không gia hạn Quy chế GSP đối với hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam. Đạo luật Nông nghiệp 2008 của Mỹ yêu cầu chứng nhận quy trình sản xuất chế biến cá tra, cá ba sa,… từ các nước xuất khẩu. Đạo luật Lacey của Mỹ kiểm soát chặt hơn nguồn gốc sản phẩm gỗ… Tại EU, Hiệp định Tăng cường thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ yêu cầu kiểm tra tính hợp pháp của các lô hàng thông qua các bằng chứng gốc….

Thứ bảy, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, thuỷ sản, khoáng sản đã đễn ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao. Sản xuất hạt điều do thu hoạch bị giảm, phải nhập khẩu nhiều hơn để chế biến. Nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản cũng phải nhập khẩu thêm nguyên liệu. Dầu thô, than đá khai thác sẽ theo hướng tiết kiệm tài nguyên, việc khai thác sẽ khó khăn hơn và việc để lại sử dụng chế biến trong nước nhiều hơn. Riêng dầu thô, lượng xuất khẩu sẽ giảm 3,5-4 triệu tấn để đưa vào Nhà máy lọc  dầu Dung Quất… Việc tái xuất vàng cũng khó lặp lại được như quý I.

Thứ tám, tốc độ tăng tỷ giá VND/USD năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Mới qua 4 tháng (tức là tháng 4/2009 so với tháng 12/2008), giá USD đã tăng 3,88%, bằng hơn một nửa tốc độ 6,31% của cả năm 2008. Tính bình quân 4 tháng so với cùng kỳ năm trước, con số này đã tăng tới 9,55%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của cả năm 2008 92,5%).

Để hạn chế những tác động bất lợi của 8 yếu tố trên nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2009, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trong nước cần tích cực đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới.Ngoài ra, doanh nghiệp cấn chú trọng nhiều hơn tới công tác dự báo giá cả, xu hướng thị trường, cơ cấu lại những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tăng cường cập nhật thông tin, kịp thời nắm bắt những thay đổi về chính sách, quy định của các nước nhập khẩu… từ đó đưa ra biện pháp ứng phó thích hợp.

(TBKT)

 

Nguồn:Vinanet