menu search
Đóng menu
Đóng

Ba tháng đầu năm nhập siêu gần 2 tỷ USD, sản xuất phục hồi

09:09 01/04/2015
Tổng cục Thống kê cho biết, 3 tháng đầu năm 2015 nhập siêu ước tính 1,8 tỷ USD. Lượng hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc và tư liệu sản xuất, vận tải… thể hiện sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.

Tổng cục Thống kê cho biết, 3 tháng đầu năm 2015 nhập siêu ước tính 1,8 tỷ USD. Lượng hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc và tư liệu sản xuất, vận tải… thể hiện sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.

EU là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 33,5% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 5,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,1 tỷ USD, tăng 12,9% và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn tỷ trọng 66,7% của cùng kỳ năm 2014.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 46% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 2,5 điểm phần trăm so với tỷ trọng cùng kỳ năm 2014), trong đó mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,7 tỷ USD, tăng 21,9%.

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 14,2 tỷ USD, tăng 8,9% và chiếm 39,7% (tăng 0,7 điểm phần trăm).

Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 3,8 tỷ USD, giảm 10,6% và chiếm 10,7% (giảm 2 điểm phần trăm). Hàng thủy sản đạt 1,3 tỷ USD, giảm 19,8% và chiếm 3,6% (giảm 1,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, EU là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 6,92 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhập khẩu nhiều tư liệu phục vụ sản xuất

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 2/2015 đạt 10,5 tỷ USD, cao hơn 1,2 tỷ USD so với số ước tính.

Trong đó, hàng điện tử máy tính và linh kiện cao hơn 298 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác cao hơn 154 triệu USD; xăng dầu cao hơn 191 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện cao hơn 112 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu cao hơn 81 triệu USD; vải cao hơn 65 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 năm nay ước tính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 26,9% so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 tăng 7,4%.

Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn có kim ngạch tăng cao: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 34,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,4%.

Bên cạnh đó vẫn có một số mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt may giảm, như: Bông giảm 7,4 %; vải giảm 22,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 12,7%.

Tính chung, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu quý I ước tính đạt 37,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I đạt 38,5 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2014. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh: Ô tô đạt 1,1 tỷ USD, tăng 73,6% (ô tô nguyên chiếc tăng 154,7%, chủ yếu ô tô để vận tải)…

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 34,4 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 91,7 % tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,2 điểm % so với tỷ trọng cùng kỳ năm 2014).

Trong đó, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 15 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 40% (tăng 1,2 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 13,2%, chiếm 51,7% (giảm 1,4 điểm phần trăm so với tỷ trọng cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 3,1 tỷ USD, tăng 19,2%, chiếm 8,3% (tăng 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 3 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 11,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2014 với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao: Máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 54%; sắt thép tăng 97%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 52%; vải tăng 32%.

Nhập siêu từ Trung Quốc ước tính đạt 8,1 tỷ USD, tăng 58,5% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 12,1%...

Trong con số 1,8 tỷ USD nhập siêu quý I/2015 thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2 tỷ USD.

Nếu sản xuất trong nước tiếp tục phục hồi thì khả năng cán cân thương mại năm 2015 theo hướng nhập siêu do phần lớn các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công lắp ráp được nhập khẩu từ nước ngoài.

Không nên lo lắng khi nhập siêu tăng

Theo Tổng cục Thống kê phân tích, đồng USD mạnh lên so với các ngoại tệ khác sẽ có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường mà giao dịch được thanh toán bằng đồng USD.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Nhóm hàng nông nghiệp, thủy sản bị sụt giảm mạnh về số lượng hàng xuất khẩu cũng như giá trị thu được, vì thế, trong thời gian tới cần có những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu những nhóm hàng này.

Một số mặt hàng xuất khẩu giảm, cụ thể là các mặt hàng khai khoáng, là do chỉ đạo của Chính phủ cần phải giảm xuất khẩu các mặt hàng này.

Trước một số lo ngại về cán cân xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phân tích: Nhập siêu xuất phát từ nguyên nhân sản xuất trong nước tăng mạnh, nhu cầu máy móc tăng, vì thế đây không phải là điều đáng ngại.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ thêm: Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là tư liệu, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, máy móc (chiếm hơn 80%) phản ánh sự phục hồi đáng mừng của doanh nghiệp.

Còn các mặt hàng như hàng tiêu dùng, hay hàng có chủ trương hạn chế nhập khẩu đều giảm khoảng hơn 11%.

Ngoài ra còn phải tính đến yếu tố thời vụ: “Thường kim ngạch xuất khẩu quý đầu năm cũng chỉ bằng hơn 1/5 cả năm, do đó, mức xuất khẩu quý I năm nay không hẳn thấp”, Bộ trưởng Công Thương cho biết.

Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

Nguồn:Tin tham khảo