menu search
Đóng menu
Đóng

Cước vận tải biển rục rịch tăng, xuất khẩu thêm khó

15:10 26/03/2012
Nhiều hãng tàu biển nước ngoài thông báo sẽ tăng cước vận chuyển đối với hàng hóa xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Mỹ trong khoảng tháng 4 và tháng 5 tới.

Nhiều hãng tàu biển nước ngoài thông báo sẽ tăng cước vận chuyển đối với hàng hóa xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Mỹ trong khoảng tháng 4 và tháng 5 tới.

Với giá cước tăng đột biến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam đến thị trường châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, giá cước tàu biển ở Việt Nam những năm gần đây thường vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philipines... từ 10 đến 15 %/container.

Cụ thể, từ ngày 1-4, phụ phí cước vận chuyển (GRI) sẽ được áp dụng với giá là  400 USD/TEU (container 20 feet) cho hàng hóa  từ Việt Nam đến châu Âu; từ ngày 1-5 phụ phí GRI sẽ được áp dụng với giá là 400 USD /TEU từ Việt Nam đến Mỹ. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng tính từ đầu tháng 3, giá cước tàu sẽ tăng từ 640 đến 1.200 USD/container (20 feet).

Theo lí giải của một số hãng tàu biển nước ngoài, việc tăng giá cước vận tải là do giá dầu tăng dẫn đến chi phí vận hành tăng. Tuy nhiên, việc tăng cước liên tục từ đầu tháng 3 đến nay đã gây nhiều khó khăn cho các DN xuất khẩu trong nước như sẽ nắm chắc phần thua lỗ với các hợp đồng đã kí với khách hàng từ năm trước.

Đại diện Công ty CP Thủy sản Hùng Vương cho biết, trung bình mỗi ngày, DN xuất khẩu gần 15 container cá tra đông lạnh đi châu Âu, Mỹ. Từ ngày 1-3 đến nay, do cước phí vận chuyển tăng nên DN phải chịu thêm từ 800 đến 1.000 USD/container tuỳ tuyến.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Trong những ngày gần đây, VASEP nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ các DN hội viên về việc các hãng tàu thông báo tăng giá cước vận tải biển cao trong vòng 3 tháng qua. Với giá cước tăng đột biến như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam đến thị trường châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, giá cước tàu biển ở Việt Nam những năm gần đây thường vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines... từ 10 đến 15%/container”.

Bên cạnh đó, theo ông Hòe, bởi châu Âu và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm mũi nhọn như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản... Giá trị kim ngạch xuất khẩu vào 2 thị trường này chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, việc tăng chi phí vận tải từ Việt Nam tới 2 thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của các DN xuất khẩu bởi việc không ổn định chi phí khiến các chủ hàng bị động trong các hợp đồng ngoại thương.

Không chỉ các DN xuất khẩu hàng thủy sản gặp khó khăn khi các hãng tàu nước ngoài tăng cước vận chuyển mà lợi nhuận của các DN xuất khẩu gạo, điều, cà phê, tiêu… cũng bị ảnh hưởng với hợp đồng bán hàng theo điều kiện người bán chịu phí vận chuyển.

Ngoài ra, theo ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, việc các hãng tàu biển nước ngoài liên tục tăng cước và các loại phí, phụ phí trong thời gian gần đây là áp đặt đối với DN xuất khẩu. Đơn cử như chi phí bốc xếp hàng hóa tại cảng mà các hãng tàu thu của các DN là 80 USD/container, trong khi chi phí nộp lại cho cảng chỉ bằng ½  số thu thực tế từ DN…

Vì vậy, để hạn chế việc tăng phí độc quyền, áp đặt từ các hãng tàu nước ngoài đối với các DN xuất khẩu, cơ quan quản lí của Việt Nam cần có những biện pháp hỗ trợ giải quyết kịp thời để điều chỉnh giá cước vận tải biển hợp lí hơn./ Phân loại nhóm hàng kem dưỡng da.

(HQ)

Nguồn:Hải quan Việt Nam