menu search
Đóng menu
Đóng

Dự báo một số mặt hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm

08:17 08/09/2009

*Chè: Cung tăng, giá có thể giảm

Do đặc thù cây chè có thời gian thu hoạch ngắn nên sản lượng thiếu hụt từ đầu năm sẽ được bù đắp vào cuối năm khi giá chè thế giới ở mức cao, các nước sẽ tăng cường thâm canh để gia tăng sản lượng, đặc biệt là Ấn Độ. Nguồn cung toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh vào năm 2010.

Trong khi đó, theo dự báo của GAO, giai đoạn 2009-2010, nhập khẩu chè đen thế giới ước tính khoảng 1,15 triệu tấn, tăng trung bình khoảng 0,6%/năm. Do đó, dự báo trong thời gian tới giá chè sẽ không có nhiều biến động, nhiều khả năng giá chè sẽ giảm nhẹ vào cuối năm.

Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giá xuất khẩu chè thấp so với mức giá trung bình của thế giới. Theo tính toán, giá chè Việt Nam chỉ bằng 65-70% giá chè xuất khẩu của nhiều nước (bình quân chỉ đạt 1,2 USD/kg, trong khi giá thế giới là từ 1,5 đến 2,2 USD/kg). Do vậy, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chủ động để tận dụng được xu hướng tăng nhu cầu tiêu thụ chè trên thế giới và lợi thế cạnh tranh về giá để đẩy mạnh xuất khẩu chè trong thời gian tới.

*Giá than xuất khẩu vững nhờ những nền kinh tế phục hồi.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2009, nguồn cung than đá trên thế giới được dự đoán khá dồi dào do nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ… kết thúc mùa mưa và bước vào giai đoạn mùa khô sẽ khiến các nhà sản xuất khai thác được nhiều than hơn. Bên cạnh đó, nguồn cung tại thị trường Trung Quốc cũng sẽ được nâng lên đáng kể sau khi các mỏ nhỏ tại Shanxi trở lại sản xuất.

Mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Trung quốc có dấu hiệu chững lại (do đã tăng mạnh nhập khẩu trong những tháng đầu năm), nhưng dự báo giá than sẽ tiếp tục vững trong thời gian tới nhờ kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu thô,sắt thép tăng cao trở lại.

Dù đã tăng mạnh lượng than nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nhưng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu than nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa đang ngày một tăng cao, đặc biệt là ở các ngành sản xuất phân bón, thép, xi măng và điện. Cơ quan vốn quốc tế của Trung Quốc đã tăng mức dự kiến về tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ than từ mức 1,3% lên 3,7% trong năm nay, và từ mức 3,2% lên 5,3% trong năm tới. Chính điều này sẽ giúp nâng đỡ giá than tại thị trường châu Á…

Giá than xuất khẩu trung bình hiện nay của Việt Nam đạt  khoảng 50 USD/tấn, thấp hơn khá nhiều so với mức giá 89 USD/tấn tại các cảng chính của Trung Quốc. Việc xuất khẩu qua nhiều trung gian và chất lượng than không đảm bảo là những nguyên nhân khiến xuất khẩu than của Việt Nam bị thua thiệt về giá. Trong khi đây lại là nguồn tài nguyên quí không thể tái tạo; cần cố gắng đạt được lợi ích cao nhất trong xuất khẩu.

*Dây và cáp điện: Giá xuất khẩu tăng theo giá nguyên liệu

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất dây và cáp điện được dự báo sẽ tăng theo đà phục hồi nền kinh tế thế giới.

Giá nguyên liệu sản xuất dây và cáp điện đang tăng vì vậy giá xuất khẩu các mặt hàng dây và cáp điện sẽ tăng trong thời gian tới.Như vậy trong ngắn hạn, xuất khẩu sẽ khó khăn hơn. Dự báo kim ngạch xuất khẩu dây và cáp điện quý III/09 sẽ chỉ ở mức 0,25 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cao như vậy là nhờ mặt bằng giá sản phẩm dây điện, cáp điện cao hơn khoảng 15% so với giữa quý II/09.

Đối với Việt Nam, hiện xuất khẩu dây và cáp điện chủ yếu vẫn sang một số thị trường chính như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Vì vậy xuất khẩu nếu có tăng thì cũng phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của hai thị trường trên. Mặt hàng cáp truyền tải điện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với Thái Lan khi hướng sang các thị trường ASEAN.

Hiện giá nhập khẩu nguyên liệu dùng sản xuất dây và cáp điện (như đồng, nhôm hay nhựa…)đang tăng lên, có khả năng làm cho giá dây điện và cáp điện tăng lên trên thị trường quốc tế. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến giá các loại nguyên liệu trên thị trường kỳ hạn thế giới để có những phương án sản xuất kinh doanh hợp lý.

 (TTXVN)

Nguồn:Vinanet