Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, lượng điều nhân xuất khẩu trong năm nay sẽ đạt khoảng 200.000 tấn với kim ngạch khoảng 1,75 tỷ USD. Song theo các DN trong ngành, dự báo này khó có thể đạt được do ngành điều còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2011, toàn ngành đã xuất khẩu được hơn 178.000 tấn, đạt khoảng 1,4 tỷ USD. Đây là cơ sở để các nhà quản lý đưa ra con số dự báo lạc quan. Tuy nhiên, trong tháng 1-2012, các DN chỉ mới xuất khẩu được 12.000 tấn, đạt 98 triệu USD, giảm 12% so với tháng 1-2011.
Trong khi đó, diễn biến của thị trường trong nước và thế giới vẫn phức tạp. Hiện nay, diện tích trồng cây điều trong nước đang ngày càng thu hẹp do loại cây này không mang lại hiệu quả kinh tế cao như cà phê, cao su, kéo theo sự sụt giảm về sản lượng.
Nhiều nhà máy chế biến chỉ mới hoạt động được một phần công suất. Trong giai đoạn 2005-2008, sản lượng điều đạt gần 80% tổng công suất chế biến của toàn ngành, nhưng từ năm 2009 đến nay, con số này ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2009 đạt chưa đến 50%, năm 2010 giảm còn 39% và năm 2011 chỉ đạt 33% tổng công suất chế biến.
Do đó, các DN phải nhập khẩu hạt điều từ nước ngoài khiến lợi nhuận giảm mạnh. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới và giá cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, mức giá bán hạt điều của Việt Nam ra thế giới đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2011.
Cùng với những khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu, một vấn đề khác mà ngành điều đang đối mặt là tổng số nợ ngân hàng lên đến gần 5.000 tỷ đồng đã đáo hạn nhưng chưa thể trả.
Với thực tế này, Hiệp hội Điều Việt Nam phải xin Ngân hàng Nhà nước gia hạn 6 tháng đối với khoản nợ này và bố trí đủ vốn với lãi suất hợp lý cho các DN. Sức ép nợ quá hạn cộng với việc thiếu vốn thu mua nguyên liệu cho vụ thu hoạch mới, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN trong năm nay.
Song song đó, hiện nay các đầu mối xuất khẩu điều vẫn chưa được cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ nên còn xảy ra tình trạng DN ngoài ngành, cơ sở nhỏ lẻ không có nhà máy chế biến thu mua điều thô xuất khẩu với chất lượng kém gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành điều. Năm 2011, Australia thông báo có thể cấm một số DN điều Việt Nam xuất hàng sang nước này.
Bộ NN-PTNT đã đưa ra con số dự báo khả quan nhưng lại không có phương án kết hợp với các cơ quan có liên quan triển khai biện pháp hỗ trợ đối với ngành điều về diện tích trồng trọt để gia tăng sản lượng cũng như các vấn đề về vốn, thông tin về diễn biến của thị trường thế giới, quản lý các cơ sở thu mua để đảm bảo chất lượng.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu của Hiệp hội Điều Việt Nam trong năm 2012 khoảng 180.000 tấn điều các loại và 60.000 tấn vỏ điều với kim ngạch đạt khoảng 1,5 tỷ USD, ngoài nỗ lực cao của DN, các cơ quan chức năng nên đề ra các biện pháp hỗ trợ, giải quyết được những vướng mắc để ngành điều có thể phát triển bền vững trong những năm tới.
(DTTC)
Nguồn:Tin tham khảo