menu search
Đóng menu
Đóng

Gốm sứ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủ công mỹ nghệ

16:32 06/08/2013

Sáu tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã thu về 220,1 triệu USD từ mặt hàng sản phẩm gốm sứ, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2012. Tính riêng tháng 6/2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 37,1 triệuUSSD, giảm 0,5% so với tháng 5/2013.
  
  

(VINANET)- Sáu tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã thu về 220,1 triệu USD từ mặt hàng sản phẩm gốm sứ, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2012. Tính riêng tháng 6/2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 37,1 triệuUSSD, giảm 0,5% so với tháng 5/2013.

Nửa đầu năm 2013, cơ cấu thị trường xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam không thay đổi so với những tháng đầu năm, có chăng thì có thêm thị trường Thái Lan. Các thị trường chính vẫn là Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ và Đức

Hiện Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu chính sản phẩm gốm sứ của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,9 triệu USD, tăng 8,22% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 16,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng. Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan, đạt kim ngạch 31,8 triệu USD, tăng 30,09%; Hoa Kỳ đạt 16 triệu USD, tăng 989,19% - đây là thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh.

Đáng chú ý, Thái Lan - là một trong những thị trường chính nhập khẩu mặt hàng gốm sứ của Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng gốm sứ của Việt Nam sang Thái Lan trong 6 tháng đầu năm nay lại giảm 23,14% so với cùng kỳ, kim ngạch chỉ đạt 16 triệu USD.

Trong nửa đầu năm nay, số lượng thị trường có kim ngạch tăng trưởng dương vẫn chiếm đa số, chiếm 63,1%. Nếu như hai tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thu về từ thị trường Bỉ có tỷ lệ tăng trưởng cao, thì đến nay Bỉ đứng 2 sau Hoa Kỳ tăng trưởng về kim ngạch. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc và Italia cũng có mức tăng đáng kể, tăng lần lượt 46,41% và 40,45% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu sản phẩm gốm sứ 6 tháng 2013

ĐVT: USD
 
KNXK 6T/2013
KNXK 6T/2012
% so sánh
tổng KN
220.174.333
205.741.499
7,02
Nhật Bản
35.983.914
33.251.668
8,22
Đài Loan
31.896.476
24.518.433
30,09
Hoa Kỳ
22.593.626
2.074.352
989,19
Thái Lan
16.026.559
20.851.908
-23,14
Đức
11.056.686
10.722.915
3,11
Hàn Quốc
8.194.671
7.973.377
2,78
Anh
6.962.607
5.732.975
21,45
Pháp
5.487.197
4.866.582
12,75
Oxtrâylia
5.351.171
8.439.111
-36,59
Bỉ
3.678.933
1.759.451
109,10
Canada
2.281.923
2.588.080
-11,83
Đan Mạch
1.888.720
2.138.004
-11,66
Nga
1.826.469
1.635.317
11,69
Trung Quốc
1.728.359
1.180.523
46,41
Italia
1.724.800
1.228.049
40,45
Hà Lan
1.699.094
2.780.155
-38,88
Thụy Sỹ
1.359.049
1.072.650
26,70
Tây Ban Nha
1.152.385
1.769.877
-34,89
Thuỵ Điển
995.367
1.211.888
-17,87
(Nguồn số liệu: TCHQ)

Gốm sứ luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủ công mỹ nghệ nước ta trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục giữ vững vị trí này trong năm nay bởi các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhóm hàng này. Hiện nay, những sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu ưa chuộng hơn so với các sản phẩm của Trung Quốc nhờ có chất lượng cao hơn, mẫu mã độc đáo, giá cả cạnh tranh. Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu tiêu thụ của thế giới, do đó cơ hội để tăng xuất khẩu của ngành hàng này là rất cao tuy nhiên do nội tại sản xuất còn yếu nên khó có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn. 

Năm 2012 là năm ghi dấu những nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Với đặc thù là ngành xuất khẩu tới 90% sản phẩm, trong khi tình hình tại các thị trường nhập khẩu chính của ngành không hề khả quan, nhưng năm vừa qua, ngành thủ công mỹ nghệ vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2011, đạt 1,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Gốm sứ là nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ trong năm qua. Theo đó, mặt hàng gốm sứ giữ vị trí số 1 khi đạt 431 triệu USD kim ngạch, tăng 12% so với năm 2011. Không chỉ năm 2012 mặt hàng gốm sứ mới là điểm nhấn về kim ngạch xuất khẩu của ngành mà đây là truyền thống, là thế mạnh của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam khi gốm sứ luôn chiếm khoảng 40% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của cả nước. Và đây sẽ tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong năm 2013.

Trong nhóm hàng gốm sứ xuất khẩu thì hàng gốm mỏng và gốm trang trí sân vườn của Việt Nam được các thị trường lớn như: Đài Loan, Mỹ, EU, Thụy Điển, Nga và đặc biệt là thị trường Nhật Bản ưa chuộng. Với đặc thù mỏng, nhẹ, kích thước nhỏ gọn, gốm mỏng luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu, nhất là các nhà nhập khẩu đến từ Nhật Bản. Hiện các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý II năm nay.

Trước kia, Trung Quốc vốn được xem là thị trường xuất khẩu hàng đầu hàng thủ công mỹ nghệ của thế giới, nhưng hiện đã không còn là điểm đến được các nhà thương mại kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ lựa chọn. Thay vào đó, những đơn hàng từ các nước này đã chuyển dịch sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa thể nắm bắt được cơ hội từ những thị trường xuất khẩu có quy mô lên đến 60 tỷ USD này. Nguyên nhân chính là những khó khăn trong nội tại sản xuất như: các doanh nghiệp xuất khẩu đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất và hạ tầng xúc tiến thương mại yếu, lãi suất ngân hàng còn cao, nguyên nhiên liệu liên tục tăng (gas, xăng dầu, điện…) làm giá thành tăng dẫn đến việc các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam yếu thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam độc đáo, mang tính nghệ thuật cao nhưng thường là đơn chiếc, lại sản xuất thủ công do thiếu trang thiết bị hiện đại nên khả năng đáp ứng được đơn hàng lớn là rất khó.

Để giúp các doanh nghiệp khắc phục một phần những nhược điểm này, rất cần đến sự quan tâm và hỗ trợ từ phía các tổ chức tín dụng để các doanh nghiệp đầu tư thích đáng cho công nghệ sản xuất, thiết kế, hạn chế dần sự phụ thuộc vào mẫu mã của nhà nhập khẩu nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm gốm sứ xuất khẩu Việt Nam.

Nguồn:Vinanet