Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt 400 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa 220 triệu USD, dịch vụ ngoại tệ 21 triệu USD, còn lại là xuất khẩu lao động. Đây là con số đầy thách thức trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.
4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt khoảng 140 triệu USD, trong đó hàng hóa đạt hơn 63 triệu USD. Một số sản phẩm đạt khá như sắn và tinh bột sắn số lượng gần 30.000 tấn, kim ngạch 12 triệu USD, dăm gỗ gần 10 triệu USD, đá các loại đạt 7 triệu USD, nước hoa quả 2 triệu USD. Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 kiên quyết dừng khai thác đối với các dự án khoáng sản chưa có công nghệ chế biến hiện đại, hiệu quả cao, không cho phép xuất khẩu khoáng sản thô.
Do đó, thời gian qua, việc xuất khẩu các sản phẩm này đang dừng lại, chỉ có một lượng nhỏ quặng các loại (khối lượng 9.000 tấn, kim ngạch 158 ngàn USD) và đá các loại có kim ngạch 7 triệu USD xuất từ đầu năm. Anh Võ Minh Tuấn – Phó phòng XNK Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, nguồn thu từ lĩnh vực này sẽ bị đình lại do chỉ thị không cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với quặng titan sa khoáng, vàng sa khoáng, đá hoa trắng, đá granit.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu khá trong thời gian qua là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt – doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều năm về xuất khẩu dăm gỗ sơ chế từ nguồn nguyên liệu được khai thác cả trong và ngoài tỉnh, thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Lào; Công ty CP Bắc Hồng Lam với sản phẩm tinh bột sắn xuất sang thị trường Trung Quốc,… Công ty CP thực phẩm Nghệ An sau một thời gian khó khăn hiện đã khôi phục, và từng bước sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tiếp tục thành công của năm 2011, 4 tháng đầu năm 2012 đạt gần 2 triệu USD. Các sản phẩm nước hoa quả chanh leo, dứa, vải… được xuất sang các thị trường như Hà Lan, Mỹ… Hay sản phẩm thủy sản, những năm trước đây mặc dù tỉnh ta có điều kiện nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản phát triển, thế nhưng công tác xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của 4 tháng gần bằng thực hiện của cả năm 2011. Trong số hơn 2 triệu USD kim ngạch thủy sản với trên 3.000 tấn sản phẩm, ngoài một lượng nhỏ của doanh nghiệp Phương Mai thì Công ty TNHH CBPP Thủy sản Xuri Việt Trung đang chiếm chủ đạo trong xuất khẩu với các mặt hàng như bột cá… Lâu nay, hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu ở tỉnh ta luôn thường trực những khó khăn mang tính cố hữu như thiếu nguyên liệu chế biến, công nghệ chế biến còn lạc hậu, sản phẩm đơn điệu…; chuyện nhà máy phải “ăn đong” nguyên liệu diễn ra trong một thời gian dài, do đó, kết quả đạt được tuy chưa lớn song phần nào cải thiện bức tranh lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn.
Đánh giá một cách khách quan thì mặc dù có mức tăng trưởng trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song xuất khẩu chưa vững chắc, nhiều mặt hàng vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh như tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, hạt tiêu, sản phẩm gỗ. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ nhỏ.
Theo nhận định của Sở Công Thương, nguyên nhân ngoài lý do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, một số nền kinh tế lớn, hạn chế nhập khẩu hàng hoá, giảm nhu cầu tiêu dùng,… nên các doanh nghiệp khó tìm đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định thì nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là yếu tố chủ quan. Năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được cải thiện trên cả 3 cấp độ: tiềm lực kinh tế tỉnh nhà, doanh nghiệp và mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, yếu về năng lực tài chính, phần lớn chưa có chiến lược kinh doanh xuất khẩu dài hạn.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt 400 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa 220 triệu USD, dịch vụ ngoại tệ 21 triệu USD, còn lại là xuất khẩu lao động. Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất và chế biến hàng hóa, tạo nguồn hàng và dịch vụ xuất khẩu phong phú, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu,… thì giải pháp tín dụng và ngân hàng cũng rất quan trọng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tập trung ưu tiên vốn tín dụng với lãi suất hợp lý phục vụ phát triển sản xuất, đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.
Nguồn:Vinanet