menu search
Đóng menu
Đóng

Nguyên liệu dệt may, da, giày nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc

08:47 02/04/2015

Toàn ngành dệt may hiện mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm tới 48%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải nhập toàn bộ nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

(VINANET) Nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu về Việt Nam 2 tháng đầu năm 2015 của cả nước đạt 658,42 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó riêng tháng 2/2015 đạt 288.09 triệu USD, giảm 22,32% so với tháng 1/2015 và giảm 5,92% so với tháng 2/2014. Thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. 

Trong 2 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 232,83 triệu USD, chiếm 35,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 33,16% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc với 104,07 triệu USD, chiếm 15,8%, giảm 5,27%; Đài Loan với 64,27 triệu USD, chiếm 9,8%, tăng 19,01%; Hoa Kỳ với 40,83 triệu USD, chiếm 6,2%, giảm 0,48% so cùng kỳ.

Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2015 từ hầu hết các thị trường đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014; tuy nhiên nhập khẩu tăng mạnh ở một số thị trường như: Ba Lan (tăng 191,15%, đạt 0,45 triệu USD), Braxin (tăng 99,7%, đạt 38,23 triệu USD), Anh (tăng 40,68%, đạt 2,25 triệu USD). Ngược lại, nhập khẩu sụt giảm mạnh từ các thị trường như Canada, Áo và Singapore với mức giảm tương ứng 90,15%, 46,82% và 37,22% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn ngành dệt may hiện mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm tới 48%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải nhập toàn bộ nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Lâu nay, mặt hàng sợi, xơ kể cả thuốc nhuộm, hóa chất các công ty đều nhập từ thị trường này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí cho việc nhập nguyên phụ liệu từ thị trường khác.

Có một thực tế là một số nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc có giá rẻ, chỉ bằng khoảng 25-35% giá thành so với nhập từ Nhật Bản. Nếu thay đổi thị trường nhập nguyên phụ liệu, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tăng giá thành sản phẩm. Như vậy, chỉ khi nào chúng ta đáp ứng được nguồn nguyên phụ liệu trong nước thì mới khống chế được giá. Ngay cả khi không nhập từ Trung Quốc mà nhập qua Lào, Campuchia (thực chất là hàng Trung Quốc xuất qua) giá nguyên phụ liệu cũng sẽ cao hơn so với nhập trực tiếp và giá sản phẩm vẫn bị đội lên.

Trước những diễn biến phức tạp của nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng thoát khỏi việc nhập khẩu hoặc hạn chế tối đa nhập khẩu từ một thị trường bằng cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Doanh nghiệp cần có mục tiêu xa hơn, để chủ động tham gia các hiệp định thương mại như TPP. Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ không khai thác được lợi thế từ TPP. Việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu đã được đặt ra trong những năm qua, nhưng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Để không phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu, giải pháp quan trọng nhất từ lâu đã được nhắc tới là xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, dù chính sách phát triển đã được lập ra từ hơn 10 năm qua nhưng tới nay vẫn chỉ là trên giấy. Điều này được coi là nút thắt khiến ngành dệt may Việt Nam cứ loay hoay, không thể bứt phá. Hai lĩnh vực được cho là nền tảng của ngành là dệt nhuộm và thuộc da vì cần công nghệ hiện đại, vốn nhiều nên hiếm thấy doanh nghiệp “nội” nào dám nhảy vào.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng về lâu dài, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi mạnh hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu. Ngành may xuất khẩu của Việt Nam đã được coi là khá mạnh, nhưng ngành nguyên phụ liệu lại quá yếu nên cần phải có chính sách phát triển theo hướng hạn chế đầu tư may mặc, giày da và tập trung ưu đãi cho ngành sợi, dệt nhuộm vì nó đòi hỏi vốn lớn và công nghệ cao. .

Để chờ tháo gỡ được những nút thắt từ cơ chế, chính sách thì trước tiên doanh nghiệp hãy tự gỡ nút thắt ngay tại doanh nghiệp mình khi chủ động cho mình nguồn nguyên liệu. Từng doanh nghiệp cần phải có chiến lược riêng của mình, cùng với đó Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ làm sao để chúng ta có ngành công nghiệp phụ trợ dệt may nhằm tránh sự lệ thuộc vào một thị trường.

Số liệu của TCHQ về nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da, giày 2 tháng năm 2015. ĐVT: USD

Thị trường

T2/2015

2T/2015

T2/2015 so với T1/2015 (%)

2T/2015 so với 2T/2014 (%)

Tổng kim ngạch

       288.089.995

       658.422.042

-22,32

+14,40

Trung Quốc

        103.448.416

        232.831.867

-20,09

+33,16

Hàn Quốc

          46.194.802

        104.070.932

-20,25

-5,27

Đài Loan

          30.804.165

          64.270.299

-8,20

+19,01

Hoa Kỳ

          17.186.900

          40.832.468

-27,48

-0,48

Braxin

          14.404.949

          38.225.758

-39,53

+99,70

Thái Lan

          13.882.621

          27.181.346

+3,80

+11,32

Nhật Bản

          11.190.710

          26.760.776

-28,09

-26,30

Hồng Kông

            9.682.771

          24.020.446

-32,45

-6,12

Italia

            9.074.099

          19.508.984

-13,04

+6,69

Ấn Độ

            6.386.086

          15.195.897

-27,51

+1,54

Indonesia

            3.156.509

            6.653.596

-9,74

+35,78

Achentina

            1.590.885

           5.041.000

-53,89

-12,24

Malaysia

            1.742.733

            4.427.173

-35,08

-20,57

Niuzilân

               828.124

            4.257.325

-75,85

-9,35

Ôxtrâylia

            1.462.222

            3.941.187

-40,90

+23,01

Đức

            1.895.451

            3.506.932

+17,64

-2,16

Pakixtan

            1.262.618

            3.139.426

-32,73

-0,29

Tây Ban Nha

            1.080.663

            2.373.458

-16,41

+4,21

Anh

               744.716

            2.253.487

-50,64

+40,68

Pháp

               381.490

               812.993

-11,59

-8,15

Ba Lan

               214.861

               450.716

-8,90

+191,15

Hà Lan

                 32.994

               304.746

-87,86

-33,12

Singapore

                 91.940

               245.645

-40,18

-37,22

Áo

                 38.214

                 68.144

+27,68

-46,82

Canada

                 27.312

                 61.990

-21,24

-90,15

Thủy Chung

Nguồn: Vinanet

Nguồn:Vinanet