Thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2012? Một số chuyên gia trong ngành nhận định rằng, thị trường lúa gạo sẽ trầm lắng, ảnh hưởng đến giá cả và nghiêng về người mua.
ông Samarendu Mohanty, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế nhận định về thị trường lúa gạo năm 2012:
- Thị trường lúa gạo hiện nay là thị trường của người mua và người mua quyết định do chúng ta có rất nhiều nhà xuất khẩu gạo. Năm 2012 vẫn là một năm khó khăn với ngành gạo do thị trường gạo thế giới đang trong giai đoạn đi xuống như dự báo của các tổ chức quốc tế. Điều này được hỗ trợ thêm bởi các thông tin như Ấn Độ vẫn duy trì chính sách nới lỏng xuất khẩu gạo bằng những bước đi như tiếp tục tăng xuất khẩu gạo phi Basmati từ 2 triệu tấn lên 4 triệu tấn, đồng thời hạ 20% giá sàn xuất khẩu gạo basmati. Hơn nữa, giá trị đồng rupee của Ấn Độ đang giảm cũng tạo lợi thế cho nước này giảm giá xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Ngoài ra, sau khi thực hiện chính sách thu mua lúa gạo với giá cao cho người nông dân, Thái Lan hiện có khoảng 6 triệu tấn gạo đang nằm trong kho dự trữ. Do đặc điểm của nông sản là không thể dự trữ lâu được nên giá gạo thậm chí có thể còn giảm nếu Thái Lan mở kho dự trữ này.
Các nước khác như Việt Nam, Pakistan và Brazil cũng đang hạ giá xuất khẩu gạo do được mùa. Vì vậy, chúng ta không thể kỳ vọng có sự bứt phá về giá gạo trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét đến mùa mưa năm 2012 như thế nào và đây cũng là vấn đề quyết định tới vận mệnh của thị trường gạo trong thời gian sắp tới.
Những ảnh hưởng tới thị trường lúa gạo của Việt Nam trong năm nay:
- Theo ước tính, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm đi trong năm nay, đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tức giảm 6,4% so với năm 2011.Thái Lan có gạo hương nhài rất thơm ngon và nằm ngoài sự cạnh tranh của các nước khác. Còn gạo Việt Nam hiện vẫn được xem là đứng ở phân khúc chất lượng chưa cao, chủ yếu là gạo tấm nên sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đối với những nước xuất khẩu gạo cấp thấp khác. Tuy nhiên, trong thời gian tới Việt Nam vẫn sẽ xuất khẩu gạo cấp thấp, chưa thể chuyển ngay sang phân khúc cao hơn được mà phải cân bằng giữa gạo phẩm cấp thấp và phẩm cấp cao.
Được biết hiện Việt Nam đang sản xuất gạo hương nhài, mặc dù chất lượng chưa bằng gạo của Thái Lan nhưng đó là tín hiệu Việt Nam đang chuyển dần từ xuất khẩu gạo cấp thấp sang cấp cao hơn qua các nước như Hồng Kông hay Singapore, ở đó gạo hương nhài có tiềm năng phát triển lớn.
Ngược lại, ở các quốc gia châu Phi, quốc gia có thu nhập thấp thì họ lại tìm mua những loại gạo phẩm cấp thấp. Như vậy, chúng ta không thể thoát ra khỏi thị trường gạo cấp thấp mà phải xác định được phân khúc thị trường và tỷ lệ sản xuất gạo cấp cao và cấp thấp sao cho phù hợp.
Những đối thủ nặng ký nhất trong cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới:
- Trong tương lai tới, Thái Lan vẫn là thị trường cạnh tranh về gạo phẩm cấp cao của Việt Nam. Đối với phân khúc gạo cấp thấp thì có rất nhiều thị trường mới nổi khác như Myanmar, Campuchia, Pakistan và Ấn Độ.
Myanmar hiện sản xuất và xuất khẩu gạo rất tốt, và đã tăng cường diện tích đất trồng lúa cũng như năng suất trên từng đơn vị diện tích đất. Một số những chuyển biến rõ rệt gần đây tại Myanmar cho thấy chính sách đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo của nước này là sự ra đời của Hiệp hội Công nghiệp lúa gạo Myanmar. Hiệp hội này thể hiện quan điểm của ngành công nghiệp gạo đối với người làm chính sách đồng thời giúp quản lý giá gạo trong thương mại. Ngoài ra, nước này cũng thành lập các công ty ở nông thôn (một phần sở hữu bởi thương lái địa phương) cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho nông dân, cung cấp dịch vụ quản lý trang trại và thu mua lúa cho nông dân.
Nếu theo như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu dùng gạo đầu người của Myanmar khoảng 200 kg/người/năm thì họ cũng có thể xuất khẩu được 7 đến 8 triệu tấn gạo mỗi năm. Theo tôi, đây là con số không hề nhỏ và Myanmar có thể là đối thủ nặng ký đối với các nước xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Những nhận xét gì về chính sách thu mua lúa gạo của Thái Lan và bài học đối với Việt Nam:
- Sau khi Thái Lan thực hiện chính sách thu mua lúa gạo, các chuyên gia đều nhận định giá gạo sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhận định này đã không còn chính xác khi giá gạo trên thế giới đã giảm 15% so với thời điểm trước khi thực hiện chính sách này. Lý do lớn nhất là Ấn Độ đã dự trữ lượng gạo lớn và bán ra kịp thời. Điều này cho thấy một quốc gia không thể quyết định một thị trường hàng hóa trong thời gian dài.
Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam cũng như các nước xuất khẩu gạo khác là tránh các giải pháp tình thế như trợ cấp phân bón, giống, nhiên liệu; tránh sử dụng những chương trình không mang tính bền vững, đắt đỏ và không thể duy trì trong thời gian dài. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào việc phát triển hệ thống thủy lợi, cơ sở xay xát, thị trường địa phương, vùng và quốc gia hiệu quả, và những hợp phần khác của chuỗi cung ứng.
(KTSG)
Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn