menu search
Đóng menu
Đóng

Những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu của ngành dệt may năm 2012

16:22 29/02/2012
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đầu tiên của năm 2012 đạt 1,08 tỷ USD, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 12,2% so với tháng 1/2011.

Năm 2011, hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục giữ vị trí đứng đầu cả nước với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 15,6 tỷ USD. Cũng trong năm 2011, ngành dệt may đã xuất siêu được 6,5 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đầu tiên của năm 2012  đạt 1,08 tỷ USD, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 12,2% so với tháng 1/2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 656 triệu USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch và có tốc độ giảm so với cùng kỳ năm 2011 lần lượt là 559 triệu USD và 12,3%; 186 triệu USD và 21,2%; 124 triệu USD và 7,7%. Mặc dù  hàng dệt may xuất khẩu giảm ở hầu hết các thị trường chính nhưng ở 2 thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng (Hàn Quốc: đạt 77,5 triệu USD, tăng 18,2%; Trung Quốc: 14,3 triệu USD, tăng 71,7%)

Hoa Kỳ luôn là đối tác nhập khẩu hàng dệt may hàng đầu của Việt Nam, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là Áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy (Cardigans), gi-lê và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc làm từ bông, kim ngạch năm 2011 là khoảng 977,8 triệu USD, chiếm khoảng 10% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ, chiểm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Mặt hàng áo sơ mi nam giới và trẻ em có kim ngạch lớn nhất (11 tháng đầu năm 2011 kim ngạch đạt khoảng 177 triệu USD chỉ chiểm khoảng 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của EU.

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam. Mặt hàng Khăn trong phòng vệ sinh và khăn nhà bếp, từ vải dệt vòng lông hoặc các loại vải dệt vòng lông tương tự, từ bông có kim ngạch lớn nhất trong nhóm hàng dệt may, kim ngạch đạt khoảng 124,42 triệu USD, chiểm khoảng 16,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU

Mặc dù vậy, năm 2012 được đánh giá là năm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam. Do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Tính đến đầu tháng 2/2012, mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm được những đơn hàng sản xuất lớn. Nhiều hợp đồng mới đều có hướng điều chỉnh theo hướng giảm số lượng xuống 20 - 30%.

Để khắc phục khó khăn, theo Tập đoàn dệt may Việt Nam:

Một là, tập trung đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá nhằm kêu gọi vốn đầu tư từ nước ngoài, từ khu vực tư nhân để tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Hai là, tập trung vốn vào các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đúng ngành nghề cốt lõi. Thực hiện đầu tư phát triển theo chủ trương: với ngành dệt, nguyên liệu tập trung, gần các khu công nghiệp sản xuất sợi-dệt-nhuộm. Còn đối với ngành may, thực hiện đầu tư phân tán, ưu tiên khu vực miền Trung và các vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. Kết hợp phát triển đầu tư ngành may gắn liền với công tác xoá đói giảm nghèo. Phấn đấu đạt mục tiêu “mỗi người công nhân dệt may có thu nhập nuôi được thêm ít nhất một người phụ thuộc theo mặt bằng chi phí tại nơi doanh nghiệp đóng”.

Ba là, nâng cao chất lượng dự báo và đánh giá thị trường; theo dõi sát sao tình hình tại các thị trường dệt may chính là Mỹ, EU và Nhật Bản; tìm kiếm và khai thác cơ hội tại các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Nga, Đông Âu, Nam Mỹ…

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thị trường nội địa, phát triển thương hiệu và mẫu mã với mục tiêu đảm bảo phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.

Năm là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trung và cao cấp theo các chuyên ngành quản lý, công nghệ. Đặc biệt là đào tạo đội ngũ thiết kế thời trang chất lượng cao; đào tạo gắn với quy hoạch phát triển theo vùng, miền.

Sáu là, chuyển dần phương thức sản xuất gia công sang hình thức FOB và ODM, phấn đấu đến năm 2015 tăng tỷ lệ FOB từ 38% lên khoảng 50% và ODM từ 5% lên 10%.

Bảy là, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu thông qua tăng cường sử dụng xơ PE từ các doanh nghiệp trong nước, mở rộng diện tích trồng bông và các loại cây có sợi khác.

Tám là, sắp xếp kế hoạch sản xuất hợp lý để tăng cường sản xuất và chất lượng sản phẩm. Áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến như quản lý tinh gọn, quản lý chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp về mọi mặt.

Chín là phân định trách nhiệm từng đối tượng tham gia thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

 

Nguồn:Tin tham khảo