menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu và sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu

14:54 23/07/2008
Theo ông Noritaka Akamatsu, sự thâm hụt thương mại khoảng 10% ở Việt Nam thời gian qua không phải là điều quá ngạc nhiên, nhưng điều này có thể được giải quyết tốt hơn nếu áp dụng các chính sách điều hành đúng. Việt Nam nên xây dựng và dự báo ở tầm vĩ mô theo hai hướng: Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy mạnh công nghiệp hóa, mở rộng sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu. Việc huy động vốn dài hạn hoặc không kỳ hạn cần được đẩy mạnh, đặc biệt là thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Tham dự buổi tọa đàm còn có đại diện nhiều Bộ, ngành, các nhà khoa học, Viện nghiên cứu chính sách. Các ý kiến đóng góp đều cho rằng cần linh hoạt trong hoạt động tín dụng đối với xuất khẩu, nên xem xét bảo đảm vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có hợp đồng xuất khẩu lớn... Điều quan trọng là các chính sách ban hành phải đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý cần giải quyết tốt vấn đề về nhập khẩu nguyên liệu phục vụ trực tiếp cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết: nếu kiềm chế tốt lạm phát thì kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 61,2 tỷ USD, đạt và vượt so với yêu cầu của Chính phủ. Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng tiếp tục khai thác hết năng lực sản xuất và xuất khẩu, kể cả nhập khẩu nguyên liệu để tăng năng lực chế biến phục vụ xuất khẩu, huy động các dự án đầu tư và tiết kiệm chi phí đầu vào. Có như vậy các sản phẩm xuất khẩu mới có khả năng cạnh tranh cao. Đối với vấn đề nhập siêu, những mặt hàng không khuyến khích thì có thể tạm dừng hoặc tăng thuế nhập khẩu và các loại phí khác; ngoài ra phối hợp với ngân hàng để không cho vay tiền với những doanh nghiệp nhập khẩu những hàng này. Từ nay đến cuối năm, kiềm chế lạm phát và nhập siêu có xu hướng giảm, nên ngoài những mặt hàng Nhà nước quản lý về giá như điện, than, xe buýt..., các mặt hàng khác có thể cho phép nới rộng biên độ và tăng giá theo lộ trình để đảm bảo phù hợp cung cầu với thế giới, tránh tình trạng buôn lậu.
 

Nguồn:Vinanet