menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu cá rô phi sẽ thay thế một phần cá tra

11:16 13/01/2015
Mặc dù cách đây 10 năm, cá rô phi đã được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) triển khai đề án phát triển để đưa thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, nhưng đến gần đây cá rô phi mới trở thành đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt cả trong nước lẫn xuất khẩu, và sẽ được đầu tư phát triển mạnh trong thời gian tới.

Mặc dù cách đây 10 năm, cá rô phi đã được Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) triển khai đề án phát triển để đưa thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, nhưng đến gần đây cá rô phi mới trở thành đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt cả trong nước lẫn xuất khẩu, và sẽ được đầu tư phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến hết tháng 11/2014, diện tích nuôi cá rô phi trong ao, hồ đạt 15.992 ha, nuôi lồng bè đạt 410.732 m3, sản lượng đạt 118.800 tấn. Ước sản lượng nuôi cá rô phi năm 2014 trên cả nước đạt 125.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ. Cá rô phi hiện đang là đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt trong nước và xuất khẩu. Gần đây, một số doanh nghiệp tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thanh Hóa,… đã xuất khẩu sản phẩm cá rô phi vào thị trường Mỹ và EU mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Năm 2015, mục tiêu diện tích thả nuôi cá rô phi cả nước đạt 21.000 ha với sản lượng 140.000 tấn, trong đó sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 50.000 tấn và xuất khẩu 30.000 tấn. Đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi cả nước đạt 25.000 ha với sản lượng 200.000 tấn, trong đó sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 100.000 tấn và sản lượng xuất khẩu 80.000 tấn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định ngoài 2 sản phẩm cá tra và tôm, Việt Nam phấn đấu đưa cá rô phi trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu 200-300 triệu USD vào năm 2015 trong Chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020. Cá rô phi cũng là một trong những đối tượng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng (nguyên Vụ trưởng vụ Nuôi trồng Thủy sản - Tổng cục Thủy sản) cho biết, từ năm 2015, cá rô phi sẽ được Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung phát triển. Kế hoạch phát triển thủy sản theo định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản đặt ra mục tiêu phấn đấu sản lượng cá rô phi đến năm 2020 sẽ đạt 150.000 tấn với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,9%/năm.

PGS. TS Lê Thanh Hùng, Giảng viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cũng dự báo: “Trong 5-7 năm tới, cá rô phi sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản và thay thế một phần kim ngạch xuất khẩu từ cá tra”.

Để chủ động lên kế hoạch sản xuất và cung cấp đủ cá rô phi đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong năm 2015, Tổng cục Thủy sản cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng cá rô phi, xác định nhu cầu cá rô phi giống của địa phương hàng năm để tính toán số lượng đàn cá rô phi bố mẹ cần thiết cho sản xuất. Xác định đàn cá bố mẹ bổ sung hoặc loại bỏ, số lượng cá hậu bị hàng năm nhập về để thay thế cá già cho phù hợp và thống kê tình hình sản xuất và cung ứng cá rô phi tại địa phương. Riêng các tỉnh miền Bắc cần lên kế hoạch và tổ chức chống rét cho thủy sản; tính toán nhu cầu cá rô phi đầu vụ nuôi năm 2015 để có kế hoạch lưu giữ cá rô phi qua đông đủ cung ứng cho nhu cầu thả nuôi đầu vụ.

Nguồn: Báo công thương điện tử

Nguồn:Vinanet