Những năm trước đây, Trung Quốc không phải là thị trường trọng điểm đối với hạt gạo Việt Nam. Nhưng cho tới thời điểm này, thị trường Trung Quốc lại đang giúp giá lúa gạo hàng hóa ở nước ta không bị giảm xuống quá thấp.
Năm 2011, trong tổng số trên 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của nước ta, Trung Quốc chỉ chiếm 258 ngàn tấn. Đó là một con số khá khiêm tốn. Nhưng theo ông Trương Thanh Phong, TGĐ TCty Lương thực Miền Nam, chỉ trong nửa đầu tháng 3 năm nay, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch được 260 ngàn tấn gạo, tức là đã cao hơn tổng số lượng gạo xuất khẩu sang nước này trong cả năm ngoái. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 500 ngàn tấn gạo được ký hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, chủ yếu là gạo 5% tấm.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch cũng khá sôi động. Ông Trần Bảo Toàn, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thanh Lịch (Đồng Tháp), cho biết kể từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay, tại các cảng sông ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang...thường xuyên có một lượng tàu không nhỏ tới mua gạo để chở ra ngoài Bắc. Theo tiết lộ của các chủ tàu, số gạo đó không phải để tiêu thụ ở thị trường miền Bắc mà đưa sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ông Toàn ước tính mỗi ngày đang có khoảng 10 ngàn tấn gạo từ ĐBSCL được đưa ra Bắc để xuất sang Trung Quốc. Theo ông Trương Thanh Phong, kể từ đầu năm đến nay, ước tính đã có khoảng 400 ngàn tấn gạo được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Như vậy, nếu cộng cả các hợp đồng chính ngạch, gần 1 triệu tấn gạo đã và sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm nay.
Thêm một bằng chứng cho thấy lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc đang khá lớn là hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang rất thiếu container rỗng để xuất hàng sang Trung Quốc qua đường biển vì một lượng lớn container đã được huy động để chuyển gạo sang các cảng nước này. Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp, việc giao hàng với số lượng lớn sang Trung Quốc sẽ còn kéo dài đến hết tháng 3, thậm chí là tới hết tháng 6, khi nước này bước vào vụ thu hoạch.
Ngoài gạo chất lượng cao, gạo thơm Việt Nam cũng đang được tiêu thụ khá mạnh ở thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, với giá xuất khẩu đạt mức từ 600-700 USD/tấn. Đây vốn là những thị trường truyền thống của gạo thơm Thái Lan, nhưng hiện nay, gạo thơm Việt Nam đã chiếm được thị phần lớn. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 470 ngàn tấn gạo thơm, thì riêng Hồng Kông đã mua tới 139 ngàn tấn.
Tuy giá lúa gạo đã giảm mạnh từ đầu năm tới nay, nhưng hiện tại, giá lúa khô vẫn đang được giữ ở mức trên 5.000 đ/kg. Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.150 – 5.250 đ/kg, lúa dài khoảng 5.350 – 5.450 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.950 – 7.050 đ/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.750 – 6.850 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì khoảng 8.250 – 8.350 đ/kg, gạo 15% tấm 7.750 – 7.850 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.300 – 7.400 đ/kg.
Chính vì vậy, thị trường Trung Quốc đang được các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt hơn hẳn so với trước đây. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã thành lập hẳn một trung tâm với tên gọi Trung tâm Xúc tiến Xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam. Nhiệm vụ chính của trung tâm này là đẩy mạnh xuất khẩu gạo cao cấp vào thị trường Trung Quốc, Hồng Kông. Vào cuối tháng 3 này, VFA sẽ cử một đoàn công tác sang khảo sát thị trường Trung Quốc và tham gia Hội chợ gạo cao cấp ở Quảng Châu.
Nguồn:Tin tham khảo