menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu khó khăn vì cước tàu tăng

15:39 20/03/2012
Sau đợt tăng mạnh hồi đầu tháng 3, giá cước vận tải biển dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong tháng 4 và tháng 5.

Sau đợt tăng mạnh hồi đầu tháng 3, giá cước vận tải biển dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong tháng 4 và tháng 5.

Doanh nghiệp bức xúc

Từ ngày 1.4, phụ phí cước vận chuyển (GRI - General Rate Increase) sẽ được áp dụng với giá là  400 USD/TEU (container 20 feet) cho hàng hóa  từ Việt Nam đến châu Âu; từ ngày 1.5 phụ phí GRI sẽ được áp dụng với giá là 400 USD /TEU từ Việt Nam đến Mỹ. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng tính từ đầu tháng 3, giá cước tàu sẽ tăng khủng khiếp, từ 640 - 1.200 USD/container (20 feet).

Việc các hãng tàu biển liên tục tăng cước và các loại phí, phụ phí một cách đơn phương và áp đặt khiến hầu hết các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu bức xúc, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu khó khăn như hiện nay. Ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - nói: “Các hãng tàu nước ngoài đang chiếm toàn bộ thị phần vận chuyển tại Việt Nam nên thường “đàn áp” DN bằng các điều khoản đơn phương, không có sự chia sẻ với khách hàng. Chẳng hạn họ buộc DN phải đóng tiền trước mới được lấy container ra khỏi bãi, tăng giá đột ngột và không hề có thương lượng... Chỉ riêng ngành điều mỗi năm đã sử dụng 41.500 container để xuất nhập khẩu, việc tăng cước phí tính trên mỗi container gây thiệt hại rất lớn”.

Tăng giá cước phải có lộ trình

Nhiều hiệp hội ngành hàng đã gửi kiến nghị đến Bộ Công thương, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét giải quyết kịp thời để điều chỉnh giá cước vận tải biển hợp lý hơn, tránh tình trạng các hãng tàu nước ngoài đơn phương áp đặt giá cước.

Việc tăng giá cước phải có lộ trình và phải thông qua thương lượng với các chủ hàng chứ không phải tùy tiện và áp đặt như hiện nay.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cũng bức xúc: “Trong vài ngày gần đây, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh từ các DN hội viên về việc các hãng tàu thông báo bắt đầu tăng giá cước vận tải biển từ ngày 1.3.

Cụ thể là từ 1.3, các hãng tàu bắt đầu tăng cước vận tải biển từ 240 - 800 USD/container tùy thuộc vào từng cảng đến, đây chưa phải là mức tăng cuối cùng.  Việc giá cước tăng đột biến như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam đến thị trường châu Âu và Mỹ”. Ông Hòe phân tích: “Châu Âu và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm mũi nhọn như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản...

Giá trị kim ngạch xuất khẩu vào 2 thị trường này chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, việc tăng chi phí vận tải từ Việt Nam tới 2 thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của các DN xuất khẩu bởi việc không ổn định chi phí khiến các chủ hàng bị động trong các hợp đồng ngoại thương.

Trong những năm gần đây, giá cước tàu biển ở Việt Nam thường cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines... từ 10-15%/TEU nên đang làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, khi chi phí tăng thì đồng nghĩa với cơ hội cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ giảm”.

Vì sao tăng cước?   

Các hãng tàu giải thích lý do tăng cước do chi phí vận hành, giá dầu tăng. Năm 2011 giá cước sụt giảm, với mức giá thấp nhất khoảng từ 400 đến hơn 400 USD/TEU. Theo Trưởng phòng Kinh doanh thị trường châu Âu của một hãng tàu, nếu vẫn tiếp tục giữ giá thấp, sẽ không đủ bù chi phí, lỗ nặng thì các hãng tàu sẽ phá sản.

Ông này cũng cho biết, thực ra giá cước vận tải biển cứ tăng rồi giảm, giảm rồi tăng chứ không ổn định. Như hồi đầu tháng 3 này, giá cước vận tải từ Việt Nam đi châu Âu đã tăng lên ở mức khoảng 1.400 - 1.500 USD/TEU, nhưng đến giữa tháng này thì giảm còn khoảng 1.200 - 1.300 USD/TEU. Hiện các hãng tàu đã có thông báo tăng phụ phí vào đầu tháng 4, có khả năng giá cước đi châu Âu lên khoảng 1.500 USD/ TEU.

Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas) cho biết, trong xu thế hiện nay nhiều hãng tàu trên thế giới đang lỗ nặng, nên buộc phải tăng giá cước. Cũng do lỗ, nhiều hãng đã cắt giảm số tàu hoạt động trên các tuyến, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ trên một số tuyến. Do vậy, không chỉ giá cước tăng ảnh hưởng đến các DN xuất nhập khẩu, mà tình trạng thiếu chỗ trên một số tuyến cũng gây trở ngại cho các DN. Trước tình hình này, ông Trần Huy Hiền cho rằng, các DN xuất nhập khẩu cần có những dự báo và lên kế hoạch sớm để không bị đọng trong hoạt động kinh doanh của mình.

Hãng tàu giải thích như vậy, tuy nhiên đại diện nhiều DN cho biết cho dù vì bất cứ lý do gì, việc các hãng tàu cùng ngồi lại với DN để thương thảo giá cước là cần thiết. Khó khăn đang đến với cả hai bên, các hãng tàu không thể lợi dụng vị thế để đơn phương áp đặt giá cước.

Nguồn:Tin tham khảo