menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu quí I/2012: Giá hàng hóa giảm, giá dịch vụ tăng

09:39 28/03/2012
Chiều 27-3, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã chủ trì Hội nghị giao ban xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2012.

Chiều 27-3, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã chủ trì Hội nghị giao ban xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2012.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt khoảng 24,52 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 8,98 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,54 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì xuất siêu 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 8 năm 2011. Nhập siêu 3 tháng đầu năm khoảng 251 triệu USD, bằng 1,03 % kim ngạch xuất khẩu

Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu quý I-2012, Bộ Công Thương cho biết đây là kết quả khá tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm. Tính đến hết quý I đã có 8 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: thủy sản, cà phê, dầu thô, dệt may, da giày, máy vi tính, sản phẩm điện tử điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng. 

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp như điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường, giãn thuế Thu nhập doanh nghiệp, triển khai thí điểm đề án bảo hiểm tín dụng xuất khẩu… đã phần nào giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, kết thúc quý I-2012 cũng cho thấy một số khó khăn, thách thức đối với xuất khẩu trong năm nay. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có dấu hiệu chững lại do khó khăn về thị trường xuất khẩu như dệt may, gạo, cà phê. Khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ châu Âu dẫn đến kinh tế Mỹ, EU vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, nhập khẩu  giảm, đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản…

Về vấn đề giá, theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu hàng hóa năm 2012 có xu hướng giảm sau khi đã tăng mạnh trong năm 2011. Điều này tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với lĩnh vực phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất xuất khẩu do đã nhập khẩu nguyên liệu với giá cao trong năm 2011, không bán được sản phẩm với giá có lãi dẫn đến tồn kho lớn, ứ đọng cho vốn sản xuất.

Xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt khoảng 24,52 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 8,98 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,54 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu 8 tháng liên tiếp kể từ tháng 8 năm 2011. Nhập siêu 3 tháng đầu năm khoảng 251 triệu USD, bằng 1,03 % kim ngạch xuất khẩu

 

Trong khi giá xuất khẩu hàng hóa  có xu hướng giảm thì giá dịch vụ tăng đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Một số hiệp hội ngành hàng tiếp tục phản ánh tình trạng các hãng tàu thu phí container hàng xuất khẩu thiếu hợp lý, tăng cường thu phí và phụ phí bất hợp lý, không có sự thương thượng.

Điều này làm cho giá cước vận tải biển tiếp tục tăng mạnh, làm chi phí cho hàng xuất khẩu tăng theo. Giá điện, gas, xăng dầu tăng dẫn đến giá cả nhiều mặt hàng biến động mạnh, chi phí sản xuất tăng cao.

Ngoài ra, đại diện các hiệp hội như Hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Da giày… đều cho rằng mặc dù lãi suất đã hạ, tuy nhiên so với nhu cầu của doanh nghiệp như hiện nay vẫn còn cao. Mặt khác, khả năng tiếp cận vốn vay vẫn là một trong những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong những tháng còn lại của năm 2012, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị tập trung về vấn đề lãi suất ngân hàng cần giảm và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn để tập trung đầu tư sản xuất xuất khẩu. Các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về chính sách thuế, giá cả; phí... ./.

Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):

Sau khi Chính phủ chỉ đạo thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, đến thời điểm này giá lúa tại ĐBSCL đã ổn định; thị trường XK cũng đã được khai thông. Tính đến thời điểm này, các DN hội viên VFA đã kí hợp đồng XK được 1,1 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kì 2011. Hiện nay, xuất khẩu gạo đã khởi sắc trở lại tại một số thị trường như: Trung Quốc, Malaysia… và dự báo giá lúa trong nước sẽ ổn định thời gian tới.

Ông Nguyễn Thái Học – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam:

Mặc dù giá XK điều 3 tháng đầu năm giảm 2%, thế nhưng vào thời điểm này nhiều DN ngành điều đang lạc quan bởi giá xuất khẩu mới đã được hình thành, đẩy tốc độ xuất khẩu tăng. Vấn đề còn lại là làm sao có đủ vốn để thu mua điều trong nước vào thời điểm này. Các doanh nghiệp đang cần khoảng 6.000 tỉ cho thu mua trong nước và 6.000 tỉ cho nhập khẩu điều thô đến hết tháng 9. Mặc dù khó khăn nhưng năm nay ngành điều phấn đấu xuất khẩu từ 1,3 đến 1,4 tỉ USD trong năm 2012.

Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư kí Hiệp hội cao su Việt Nam:

So với năm 2011, 3 tháng đầu năm 2012 lượng cao su XK đã tăng 37,6%. Tuy nhiên giá lại giảm 36%, việc giá cao su xuất khẩu giảm cũng đã được dự báo từ trước. Dự báo năm nay xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 2,5 đến 3 tỉ USD và giá sẽ ổn định bởi nhu cầu về cao su thế giới vẫn tăng. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng cao su xuất khẩu không đảm bảo do quá nhiều đầu mối xuất khẩu, khó kiểm soát chất lượng. Hiệp hội cao su kiến nghị thời gian tới Bộ Công Thương xem xét trình Chính phủ đưa cao su là mặt hàng xuất khẩu có kiện để tạo điều kiện để đảm bảo xuất khẩu đạt chất lượng, tăng trưởng bền vững.

 

Nguồn:Hải quan Việt Nam