menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu rau quả và những tín hiệu khả quan

16:12 22/10/2012
Số liệu thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường 9 tháng năm 2012 đạt 522,22 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, sản phẩm rau quả Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng.

Số liệu thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường 9 tháng năm 2012 đạt 522,22 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, trị giá trên 154 triệu USD, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 29,5% tổng trị giá xuất khẩu. Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai, với gần 40 triệu USD, chiếm 7,6%; tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ, với trị giá gần 30 triệu USD, tăng 38,9%. Ba thị trường trên chiếm 42,4% tổng trị giá xuất khẩu rau quả.

Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường có mức tăng trưởng dương là: Nhật Bản; Hoa Kỳ; Thái Lan; Singapore; Malaysia; Canada… Ngược lại những thị trường có mức suy giảm 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2011 là: Indonêsia; Nga; Hàn Quốc...

Một nét mới trong sản xuất rau quả hiện nay ở nước ta là nhiều vùng và địa phương đã và đang tập trung sản xuất hàng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu hàng rau quả của nước ta 9 tháng qua có xu hướng tăng mạnh, một phần vì nhu cầu tại nhiều nước nhập khẩu tăng cao, mặt khác là do sản phẩm rau quả của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng hơn do những nỗ lực phát triển sản phẩm rau quả Việt Nam theo tiêu chuẩn VietGAP như đã đề cập ở trên.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để xuất khẩu tăng trưởng hơn nữa, việc tuân thủ sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP đối với sản phẩm hàng rau quả Việt Nam là rất cần thiết.

Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm rau sạch bị hạn chế đầu ra là do các kênh phân phối cho sản phẩm còn yếu, sản phẩm không có dấu hiệu để nhận diện, ít được người tiêu dùng biết đến. Cùng với đó là các trở ngại về giá cả, phương thức giao hàng, đại lý phân phối sản phẩm… Quy mô sản xuất của người dân còn manh mún, chưa đảm bảo tốt về số lượng, chất lượng nên gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu…

Do vậy, việc tạo ra mối liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ hoặc tổ chức các trung tâm giới thiệu sản phẩm là một cách làm hiệu quả để ổn định sản xuất sạch cho người sản xuất.

Thêm vào đó, cần phải tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền vận động người dân tham gia vào các mô hình sản xuất sạch, đồng thời các Hiệp hội liên quan phải có hướng liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, giúp người sản xuất yên tâm sản xuất rau quả sạch, tạo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Nguồn:Tin tham khảo