menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu sắn: Chưa thoát cảnh bấp bênh

09:07 13/08/2014
Mấy năm gần đây, cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi từ Bắc tới Nam với tổng diện tích lên tới 560.000 héc-ta. Sắn là cây trồng dễ thích nghi với điều kiện sống, chủ yếu được trồng ở phía Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc và Đông Nam Bộ.

Sắn là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng

Mấy năm gần đây, cây sắn phát triển mạnh, được trồng rộng rãi từ Bắc tới Nam với tổng diện tích lên tới 560.000 héc-ta. Sắn là cây trồng dễ thích nghi với điều kiện sống, chủ yếu được trồng ở phía Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc và Đông Nam Bộ. Trong đó, nhiều diện tích trồng sắn lớn chủ yếu tập trung ở các khu vực có địa hình trung du và đồi núi, nơi có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống.

Nhu cầu gom hàng để xuất khẩu gia tăng

Báo cáo cấp quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, trong danh mục các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, sắn được xếp đầu bảng. Năm 2012, giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,37 tỷ đô-la Mỹ, còn năm 2013 đạt 1,1 tỷ đô-la Mỹ. Thị phần của sắn Việt Nam trên thị trường thế giới đạt 27,3%. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, từ con số 59 nước và vùng lãnh thổ năm 2009, đã nhanh chóng tăng lên đến gần 100 vào năm 2012.

Tuy là nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, nhưng hiện có tới 85% tổng giá trị xuất khẩu ngành sắn Việt Nam lại thuộc về thị trường Trung Quốc. Thực tế cho thấy, sau gần 1 tháng tồn đọng do không ký được đơn hàng xuất khẩu với thương lái Trung Quốc, tuần đầu tháng 8, tại Tây Ninh, lượng sắn về cửa khẩu đã tăng trở lại từ 5 - 7 xe/ngày. Tại Quy Nhơn, các kho đang có xu hướng thu mua hàng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu khi giá xuất khẩu đang lên cao. Hiện tồn kho ở Quy Nhơn tính đến cuối tháng 7 còn khoảng 140.000 - 150.000 tấn, trong đó những đơn vị lớn đang nắm giữ từ 30.000 - 40.000 nghìn tấn trong kho. Giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc đã có đơn vị ký được giá khoảng 230 - 232 đô-la Mỹ/tấn FOB, tăng 15 - 20% so với tháng trước.

Cũng giống như những mặt hàng nông sản khác, cứ vào vụ thu hoạch, sắn lại lâm vào tình trạng tồn đọng, thương lái giảm thu mua, ép giá khiến bà con nông dân lao đao. Theo thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2014, tổng lượng tồn kho sắn lát khoảng trên dưới 300.000 tấn. Cụ thể, khu vực Quy Nhơn và Tây Nguyên còn dưới 200.000 tấn, TP. Hồ Chí Minh còn dưới 100.000 tấn và khu vực phía Bắc còn khoảng 20.000 – 30.000 tấn. Tình trạng tồn kho cũng xảy ra với tinh bột sắn. Từ tháng 3 nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Trung Tây Nguyên đã phải thuê kho dự trữ tại Quy Nhơn. Ước tồn kho tinh bột sắn đến cuối tháng 6 khoảng 150.000 tấn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp không thỏa thuận được giao dịch cho các đơn đặt hàng mới với thương lái Trung Quốc.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Các chuyên gia đều nhận định, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do sắn nước ta bị phụ thuộc chủ yếu vào duy nhất một thị trường Trung Quốc. Những thị trường khác như: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn, Nga... lại khó tính, đòi hỏi chất lượng cao và nghiêm ngặt trong chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi sản phẩm của ta chưa đáp ứng được. Trên thực tế, một vài doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… nhưng khối lượng không đáng kể hoặc đang trong giai đoạn thăm dò.

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu tinh bột vào thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý đáp ứng các yêu cầu cần thiết từ phía nhà nhập khẩu.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn:Vinanet