menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu sản phẩm nhựa năm 2011 có thể đạt 1,3 tỷ USD

15:53 23/09/2011
Dự báo kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng cao trong năm 2011. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong năm 2011 của Việt Nam có thể đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.

Trong thời gian qua, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của một số thị trường “khó tính” như: Indonesia, Mỹ, Đức, Nhật Bản… Trong thời gian tới, nhu cầu của các thị trường này còn tăng cao, do vậy, dự báo kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng cao trong năm 2011. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong năm 2011 của Việt Nam có thể đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.

Cụ thể, tại thị trường Nhật Bản, là thị trường khá tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam, trung bình mỗi năm nhập khẩu khoảng 8 tỷ USD các sản phẩm nhựa từ Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực xúc tiến thương mại để thâm nhập sâu vào thị trường này.

Tại thị trường Anh, EU, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ nhựa gia dụng ngày càng nhiều. Kết quả khảo sát thị trường cho thấy, sản phẩm nhựa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc và đáp ứng được nhu cầu của các thị trường này.

Đông Nam Á cũng là thị trường nhập khẩu lớn đối với sản phẩm nhựa của Việt Nam. Các nước trong khối này khá dễ thâm nhập do không đòi hỏi những yêu cầu khắt khe như các thị trường khác. Uớc tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang các thị trường này đạt khoảng 238,8 triệu USD trong 3 quý đầu năm, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện các sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn còn khá đơn điệu về mẫu mã và chủng loại. Đây chính là rào cản lớn để sản phẩm nhựa của Việt Nam có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường quốc tế. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh cung cấp, thu thập thông tin cũng như trao đổi, phối hợp giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa, các doanh nghiệp sản xuất nhựa cũng cần có chiến lược kinh doanh tập trung và tạo được nguồn hàng lớn, không nên sản xuất, kinh doanh tổng hợp để tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ ngành.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cũng cần chú trọng xây dựng nền công nghiệp tái chế phế liệu vì nguồn phế liệu trong nước rất dồi dào, cũng như hướng tới phát triển các sản phẩm nhựa mang nhiều giá trị gia tăng như nhựa kỹ thuật cao, nhựa xây dựng, nhựa y tế...

Ngoài ra, cần hạn chế và khắc phục dần việc phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa đầu vào và phải nhập khẩu hầu như tất cả các thiết bị, máy móc cần thiết để sản xuất các sản phẩm nhựa từ nước ngoài, có làm được điều này thì sản phẩm nhựa của Việt Nam mới có thể hạ giá thành xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Nguồn:Tin tham khảo