Đơn hàng xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, trong khi gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản lại tăng mạnh so với các năm trước.
Thị trường lớn sụt giảm
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 2/2012, xuất khẩu thủy sản ước đạt 400 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 763 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại sụt giảm khá mạnh.
Số liệu của Tổng cục Hải quan trong tháng đầu năm cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm 35%, sang Mỹ giảm 17,5%, sang Nhật Bản giảm 6,8%, sang Hàn Quốc giảm 4,8%, sang Trung Quốc giảm 5,9%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2012 sang EU sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra. Các thị trường khác như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… tuy có giảm nhẹ ở một số mặt hàng, nhưng vẫn là các thị trường có tiềm năng tăng trưởng tốt và ít rủi ro.
Về phía DN, ông Dương Việt Thắng, Phó giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam cho biết, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu đang trong tình trạng rất khó khăn. Tháng 2/2012, xuất khẩu của công ty này chỉ bằng 2/3 so với tháng trước đó.
Tương tự, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương cho rằng, năm 2012 vẫn là một năm khó khăn cho xuất khẩu cá tra.
Tuy nhiên, không ít DN vẫn khá lạc quan với hoạt động kinh doanh của mình. Đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) cho biết, họ đã nhận được nhiều đơn hàng cho tháng 3/2012 và đang đàm phán khá thuận lợi cho các đơn hàng trong quý II/2012.
Một số DN thủy sản khác cũng cho rằng, khủng hoảng có thể là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu cá tra và các sản phẩm có giá trung bình, bởi xét về giá, cá tra Việt Nam có lợi thế hơn nhiều loại thực phẩm khác.
Nặng gánh thuế, phí
Theo VASEP, vấn đề khó nhất đối với DN hiện nay không phải là thị trường, mà là gánh nặng thuế, phí. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho hay, chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu của DN đã tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (1/7/2011). Chưa kể, quy định và thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến phần lớn các lô hàng xuất khẩu phải chờ 7 - 10 ngày, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.
Cũng theo VASEP, nhiều thị trường nhập khẩu không yêu cầu các giấy chứng nhận này, nhưng cơ quan quản lý vẫn bắt DN đóng phí để chứng nhận. VASEP cho rằng, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nên thay đổi phương thức kiểm tra, theo hướng những nhà máy, ao nuôi tuân thủ tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì không phải kiểm tra.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD khẳng định: “Trong khi nuôi trồng và chế biến chưa liên kết được với nhau, thì biện pháp tốt nhất hiện nay là phải tăng cường kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu, nếu không sẽ mất thị trường”.
Bên cạnh gánh nặng phí kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì PE để bao gói hàng xuất khẩu cũng là gánh nặng với DN xuất khẩu thủy sản.
VASEP ước tính, chi phí tăng thêm từ thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm thủy sản xuất khẩu là 0,1 USD/kg.
Tăng cường kiểm tra chất lượng thủy sản trước khi xuất khẩu là cần thiết, song gánh nặng phí đang khiến thủy sản Việt Nam gặp bất lợi. Nhiều DN cho hay, chi phí xuất khẩu thủy sản đã tăng 30% so với 2 năm trước, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng 20%. Đáng lưu ý, trong các quy định kiểm tra hiện hành, không ít quy định được xem là không cần thiết.
Nguồn:Báo đầu tư