menu search
Đóng menu
Đóng

Chú trọng đến xu hướng tiêu dùng để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Đức

14:06 26/08/2009
Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Sau một thời gian kinh tế suy thoái, gần đây tình hình kinh tế Đức đã có những tín hiệu phục hồi khả quan nhất là xuất nhập khẩu của nước này có chiều hướng tăng trở lại. Do vậy, đây là một cơ hội đối với xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này thời gian tới.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, mặc dù các mặt hàng xuất khẩu có giảm về kim ngạch song một số mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày sang Đức nhìn chung vẫn khá. Tính đến tháng 8 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Đức đạt 36,8 triệu USD và tiếp tục là thị trường dẫn đầu nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam trong khối EU. Riêng mặt hàng giày dép sang Đức trong quý III đã chững lại sau hai tháng gần đây nhưng vẫn đạt 26,2 triệu USD.
Các chuyên gia thương mại khuyến cáo: Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần chú trọng đến xu hướng tiêu dùng của người dân bản địa. Ví như đối với xu hướng tiêu dùng của mặt hàng giày dép thì thị trường Đức chủ yếu hướng đến chất lượng, thời trang và sự thoải mái. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái như hiện nay người Đức còn quan tâm đến vấn đề giá cả và giảm bớt tiêu dùng những loại giày cao cấp, xa xỉ nhưng lại rất ưa chuộng những sản phẩm giày thể thao bằng vải, da và cao su dẻo. Đáng chú ý là người Đức tiêu thụ thuỷ sản trung bình 21 kg/người/năm nên ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thủy sản bền vững. Hơn nữa, người Đức rất quan tâm đến giá cả khi lựa chọn thực phẩm với mức tiêu dùng cho thực phẩm/hộ gia đình thuộc hạng thấp nhất trong khối EU. Đặc biệt, người tiêu dùng Đức thích các sản phẩm có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, ít béo và không béo nhưng lại rất chú trọng đến phương pháp bắt thuỷ hải sản và hậu quả đối với môi trường và xã hội của việc đánh bắt đó.
Là một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu nên hàng hoá muốn xuất khẩu vào Đức, doanh nghiệp phải tuân theo hàng loạt các tiêu chuẩn, rào cản trong đó quan trọng nhất là tiêu chuẩn về độ an toàn sản phẩm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu tập quán, thói quen tiêu dùng của người Đức để có phương hướng và sự lựa chọn mặt hàng xuất khẩu một cách phù hợp. Chẳng hạn đối với thực phẩm, Việt Nam có thể khai thác xuất khẩu một số mặt hàng thuỷ sản đáp ứng tiêu chí ít chất béo như tôm, mực, bạch tuộc, cá nước ngọt...Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm túc các qui định về xuất xứ sản phẩm và quan tâm đến việc có được những chứng nhận quốc tế về vấn đề này./.

Nguồn:Vinanet