Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu sang Rumani cũng còn không ít khó khăn mà doanh nghiệp VN phải đối đầu
- Rumani là thị trường truyền thống của Việt Nam, hai nước có quan hệ chính trị thuận lợi, có bề dầy lịch sử 65 năm quan hệ ngoại giao (1950-2015). Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Rumani đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia, kỹ sư, thợ lành nghề trong nhiều lĩnh vực (dầu khí, xây dựng, kiến trúc, môi trường…), đã từng cung cấp cho Việt Nam nhiều vật tư, máy móc thiết bị, cấp tín dụng và viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam…
- Rumani và Việt Nam là hai thị trường không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, có nhu cầu tiêu dùng lớn về các sản phẩm bình dân, hai nước hiện đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP và từ năm 2015 sẽ có thêm các ưu đãi khác do việc ký kết Hiệp đìịnh Thương mại tự do Việt Nam – EU đem lại (dự kiến hai bên sẽ ký 6/2015).
- Hiện nay hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài… Về mặt vĩ mô, mối quan hệ 2 nước nằm trong khung điều chỉnh của các liên minh khu vực ASEAN và EU với nhiều lợi thế và cơ hội phát triển bền vững.
Ngoài những bất cập, vướng mắc chung như:vấn đề thuế quan, chất lượng sản phẩm, sự khác biệt về nhu cầu-thị hiếu-văn hóa người tiêu dùng, độ tin cậy của các nhà nhập khẩu-đối tác địa phương v.v… Tại thị trường Rumani còn có một số khó khăn đặc thù như sau:
- Rumani hiện có chiến lược hợp tác thương mại – đầu tư chủ yếu với các nước trong liên minh Châu âu EU. Khoảng cách địa lý giữa hai nước khá xa xôi, thói quen và tập quán kinh doanh của doanh nghiệp hai nước còn nhiều bất cập (từ nhiều năm nay, các công ty của Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ đã thâu tóm mạng lưới bán buôn bán lẻ các mặt hàng nông sản Châu á tại địa bàn (như cà phê, gia vị, gạo, hạt điều…).
- Trên thực tế doanh nghiệp Rumani do hạn chế khả năng thanh toán nên khó thiết lập quan hệ thương mại trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Cho đến nay khoảng 75-80% kim ngạch hàng hóa XNK giữa hai nước phải thực hiện qua đối tác trung gian (vì nhiều lý do như DN khó khăn về thanh toán, khả năng đáp ứng nguồn hàng, chất lượng và thời hạn giao hàng không đảm bảo, thông tin kinh doanh không đáp ứng kịp thời, chính sách thuế VAT hiện nay của Rumani còn nhiều bất cập…).
- Thêm vào đó hoạt động khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại của doanh nghiệp hai nước còn hạn chế, hoạt động đầu tư – liên doanh giữa hai bên chưa phát triển, điều này phần nào gây khó khăn cho việc tăng kim ngạch xuất khẩu hàng VN nói chung vào thị trường Rumani.
- Ngoài ra lực lượng doanh nghiệp VN hiện nay tại địa bàn kinh doanh nhỏ lẻ, khả năng tài chính hạn chế, chủ yếu buôn bán lại hàng của Trung Quốc tại khu chợ Châu á ở Thủ đô Bucarest (chợ Dragonul), rất ít doanh nghiệp VN tại Rumani có khả năng XNK trực tiếp để đưa hàng hóa của Việt Nam vào thị trường.
+Giải pháp phát triển xuất khẩu :
- Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang TT Rumani, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tiếp cận thị trường, thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà phân phối địa phương, xây dựng lòng tin đối với đối tác, tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác liên doanh sản xuất hàng xuất khẩu với các đối tác Rumani. Ngoài ra Cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Rumani cần tích cực hỗ trợ việc quảng bá sản phẩm “Made in Việt Nam”, tăng cường thiết lập mối liên kết hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp trong nước trên các lĩnh vực hai bên cùng có lợi.
- Bên cạnh việc doanh nghiệp phải tự nỗ lực là chính thì sự hỗ trợ của các tổ chức XTTM hai nước là hết sức cần thiết, nhất là việc cung cấp thông tin thị trường, đối tác, giúp tổ chức hội nghị, hội thảo, khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm tại các HCTL của mỗi nước v.v….
Nguồn:Tin tham khảo