menu search
Đóng menu
Đóng

Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga

15:26 25/06/2012
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào thị trường Nga đang có thuận lợi lớn khi trong 3-4 năm tới, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga sẽ có mức thuế nhập khẩu thấp hơn từ 30 đến 50% so với mức hiện hành (theo quy định khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới).

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào thị trường Nga đang có thuận lợi lớn khi trong 3-4 năm tới, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga sẽ có mức thuế nhập khẩu thấp hơn từ 30 đến 50% so với mức hiện hành (theo quy định khi Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới).

Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, theo cam kết về thuế quan và hạn ngạch của Nga khi gia nhập WTO, mức thuế NK trung bình tất cả hàng hóa của Nga trong 3-4 năm nữa sẽ ở mức 7,8% so với 9,5% trong năm 2011; mức thuế trung bình của nhóm hàng nông sản sẽ là 10,8% so với 13,2% hiện hành; mức thuế trung bình của nhóm hàng công nghiệp sẽ là 7,3% so với 9,5% hiện hành.

Những cam kết này có lợi cho các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang Nga, bao gồm thủy sản, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, nông lâm sản...

Ngoài việc là thành viên của WTO, Liên bang Nga còn là thành viên của Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan. Hiện nay Việt Nam và Liên minh Hải quan này đang tiến hành đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA). Nếu FTA này ký kết, hàng hóa Việt Nam sẽ được miễn thuế hoàn toàn hoặc hạ xuống mức tối thiểu.

Đây là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng và mở rộng thị phần tại thị trường Nga. Tuy nhiên, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hàng XK Việt Nam vào Nga hiện chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 0,5% hàng NK của Nga. Con số này cho thấy trao đổi thương mại giữa 2 nước còn rất nhỏ bé so với tiềm năng hợp tác và thế mạnh mỗi nước, chưa thực sự tạo ra bước đột phá.

Nguyên nhân là do đa số DN Việt Nam không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định, số lượng DN có văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Nga rất ít, vì vậy khó có thể thường xuyên theo dõi và nắm vững những biến đổi, nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có những điều chỉnh và chiến lược phù hợp.

Hơn nữa việc áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan của bạn còn khá phổ biến và khó dự báo, nhất là đối với mặt hàng XK về nông, thủy hải sản. "Ngoài ra, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự như chúng ta về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả...".

Sẵn sàng hỗ trợ

Một trong những khó khăn đối với hàng Việt Nam XK sang thị trường Nga là thủ tục thanh toán. Hiện nay vẫn còn khá nhiều DN Nga chuyên kinh doanh NK hàng hóa của Việt Nam thường không mở L/C mà chọn phương thức thanh toán trực tiếp, tức là bên mua đặt cọc 20-30% và sẽ trả 70-80% còn lại sau khi nhận được hàng.

Phương thức thanh toán này gây rủi ro cao cho các DN XK của Việt Nam, các DN không thu được tiền hàng hoặc chậm trễ trong thanh toán. Do đó, theo đại diện của Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga, các DN Việt Nam nên chủ động tham khảo, tìm hiểu để lựa chọn những dịch vụ của ngân hàng như các dịch vụ ngân hàng, sản phẩm thanh toán đặc thù phù hợp với thị trường Nga, đồng thời giúp các nhà XK xử lý tình huống phát sinh.

Ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho các nhà XK trong việc lựa chọn đồng tiền thanh toán là Rúp, USD hay Euro để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ngoài ra giúp DN hai nước thỏa thuận, thực hiện mở L/C, chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng thuận lợi.

Một số DN XK của Việt Nam còn cho biết, ngoài những khó khăn trong việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga, họ còn gặp một số trở ngại khác như sự phức tạp của thủ tục pháp lý, vấn đề thanh toán, tiếp thị, tìm kiếm khách hàng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, hiện nay VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục Đăng ký quốc gia, Bộ Tư pháp Nga về việc hỗ trợ các DN Việt Nam đăng ký thành lập văn phòng đại diện tại Nga. VCCI tư vấn và hỗ trợ các DN khi có yêu cầu. DN cần chủ động hơn nữa để nắm được thông tin và cơ hội.

Nguồn:Tạp chí thương mại