menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết khi thâm nhập thị trường Nam Phi

15:29 20/03/2009
Nam Phi là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Phi: GDP năm 2008 đạt khoảng 300,4 tỷ USD, chiếm 25% GDP của toàn châu Phi; GDP bình quân đầu người khoảng 6.250USD/người/năm. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1994-2004 đạt 3%. Năm 2008 tăng trưởng GDP đạt 3,8%.
Theo đánh giá của IMF, nếu GDP của Nam Phi tăng 1% sẽ góp phần tạo nên mức tăng trưởng từ 0,4% đến 0,75% GDP của toàn châu Phi do đóng góp của Nam Phi trong các lĩnh vực đầu tư, chuyển giao công nghệ và đào tạo người lao động.
Công nghiệp chiếm 31,3% GDP của Nam Phi (2008), với nhiều ngành khác nhau, trong đó khai khoáng đóng vai trò quan trọng. Nam Phi đứng đầu thế giới về khai thác vàng, kim cương, kim loại quý nhóm platin, quặng crom... Công nghiệp chế tạo ngày càng phát triển mạnh, nhất là công nghiệp ô tô, chế tạo máy, dệt may… Nam Phi là nhà sản xuất thép lớn nhất Châu Phi, chiếm trên 60% sản lượng thép của toàn châu lục. Hóa chất, phân bón, chế biến thực phẩm, đồ uống, sửa chữa tàu biển, năng lượng ... cũng là điểm mạnh của nền kinh tế Nam Phi.
Nông nghiệp đóng góp khoảng 3,4% vào GDP của Nam Phi (2008) và thu hút khoảng 9% lực lượng lao động. Hiện nay, Nam Phi không chỉ tự túc được về hầu hết các nông sản chủ yếu mà còn là một nhà xuất khẩu nông sản. Mặc dù nông nghiệp có xu hướng giảm tỷ trọng trong GDP, nhưng nông sản và nông sản chế biến vẫn là một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế. Trong những năm qua, nông sản đóng góp khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của Nam Phi (trên dưới 1 tỷ USD/năm). Sản phẩm nông nghiệp có ngô, lúa mì, mía đường, trái cây, rau, thịt bò, gia cầm, cừu, len, sản phẩm sữa.
Lĩnh vực dịch vụ của Nam Phi khá phát triển, chiếm 65,3% GDP (2008). Quan trọng nhất phải kể đến du lịch, bình quân đóng góp 5% GDP. Năm 2004 khoảng 6,7 triệu khách du lịch nước ngoài tới Nam Phi (đứng đầu Châu Phi). Ngoài ra, các dịch vụ như tài chính ngân hàng, viễn thông, vận tải của Nam Phi khá hoàn chỉnh và tiên tiến so với các nước đang phát triển khác.
Về ngoại thương, năm 2008 Nam Phi xuất khẩu khoảng 81,47 tỷ USD (FOB) gồm các mặt hàng chính như vàng, kim cương, platinum, các khoáng sản khác, máy móc thiết bị ... Thị trường xuất khẩu chính của Nam Phi gồm Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Italia ...
Năm 2008 Nam Phi nhập khẩu khoảng 87,3 tỷ USD (FOB) các mặt hàng như máy móc thiết bị, hoá chất, sản phẩm xăng dầu, thiết bị khoa học, hàng tiêu dùng, thực phẩm... Thị trường nhập khẩu của Nam Phi gồm: Đức, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Arập Xê-út, Pháp.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Nam Phi 2004-2007
                                                                                           Đơn vị : tỷ USD
Năm
2004
2005
2006
2007
2008
Xuất khẩu
47,0
     50,91
      50,63
71,52
81,47
Nhập khẩu
48,7
     55,72
59,50
76,59
87,3
Tổng
95,7
106,63
110,13
148,11
168,77
Nguồn: Bộ Công thương Nam Phi
Từ đầu những năm 1990, Nam Phi đã tích cực hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Nam Phi là thành viên chủ chốt của Liên minh quan thuế miền Nam Châu Phi-SACU gồm Botswana, Lesotho, Namibia, Swaziland và là thành viên tích cực của SADC -Cộng đồng phát triển miền nam Châu Phi gồm 14 thành viên: Angola, Botswana, Lesotho, Malawi, Mozambique, Swaziland, Tanzania, Zambia, Zimbabwe, Namibia, Maritius, Congo, Sheychelles. Nam Phi là thành viên sáng lập của WTO. Các nước thành viên SADC sẽ hình thành khu vực thương mại tự do vào năm 2012.
Năm 2000, Hiệp định Nam Phi - EU về thương mại, phát triển và hợp tác đã có hiệu lực, theo đó 86% hàng xuất khẩu của EU và 95% hàng xuất khẩu của Nam Phi được tự do thâm nhập thị trường của nhau với thời hạn quá độ là 12 năm (tính từ 1/1/2000) mà không chịu hạn ngạch và thuế. Đến 2012, giữa Nam Phi và EU sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do. Hàng công nghiệp, chế tạo sẽ được tự do nhập khẩu trong giai đoạn đầu của thời hạn giảm thuế. EU cam kết giảm thuế nhập khẩu sản phẩm công nghiệp của Nam Phi trong thời gian 3-6 năm. Nam Phi được lui thời hạn cho phép tự do nhập khẩu sản phẩm công nghiệp của EU tới cuối thời hạn giảm thuế.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Nam Phi cũng rất gắn bó. Trong buôn bán song phương, Mỹ cho Nam Phi hưởng GSP, theo đó gần 5000 sản phẩm của Nam Phi được xuất khẩu vào Mỹ miễn thuế đến ngày 30/9/2008. Từ năm 1998, đạo luật “Tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho Châu Phi-AGOA” của Mỹ dành nhiều ưu đãi cho Châu Phi, trong đó có Nam Phi. Theo đạo luật này, số mặt hàng mà Nam Phi được xuất khẩu miễn thuế vào Mỹ được bổ sung thêm gần 1900. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm dệt may và một số mặt hàng dệt được miễn thuế hoàn toàn. Nam Phi và Mỹ đang đàm phán thiết lập một khu thương mại tự do giữa Nam Phi và Mỹ.
Quan hệ thương mại giữa Nam Phi và các nước Châu Á ngày càng được đẩy mạnh. Hiện nay Nam Phi đang xúc tiến thành lập khu thương mại tự do với một số nước như Ấn Độ, Australia, Singapore. Năm 2001, Nam Phi cũng đã đề xuất dự định này với cả khối ASEAN. Giữa Nam Phi và Nhật Bản đã thành lập Diễn đàn đối tác vào năm 1999 để thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Hiện nay Nhật Bản là bạn hàng lớn nhất ở Châu Á của Nam Phi và đứng thứ tư trong cơ cấu bạn hàng của nước này. Quan hệ giữa Nam Phi và Trung Quốc cũng có bước phát triển mới, đặc biệt từ hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Châu Phi lần thứ nhất tại Bắc Kinh.
Là thành viên của WTO, Nam Phi đã có những cố gắng lớn trong việc thực hiện các cam kết trong WTO. Trong những năm qua, Chính phủ đã thành công trong việc đơn giản hóa và giảm thuế. Mức thuế nhập khẩu trung bình giảm từ 20% năm 1994 xuống còn 8,5% năm 1999 và 7% năm 2002. Tuy vậy, Nam Phi vẫn duy trì thuế nhập khẩu khá cao đối với một số mặt hàng như ô tô, linh kiện ô tô, hàng dệt may. Nam Phi áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 14%, các loại phụ phí nhập khẩu đã được bãi bỏ.

Nam Phi đã nỗ lực thay thế các hàng rào phi thuế bằng thuế quan. Hiện nay chỉ còn một số ít các mặt hàng phải chịu kiểm soát nhập khẩu. Các mặt hàng hiện nay vẫn cần giấy phép nhập khẩu là các sản phẩm sữa (vì lý do sức khỏe), xăng dầu (mặt hàng chiến lược), hóa chất độc hại, vũ khí.

(Bộ Công Thương)

Nguồn:Vinanet