menu search
Đóng menu
Đóng

Đưa Lâm Đồng thành nguồn cung rau quả hàng đầu sang Nhật

16:56 23/03/2015
Với tiềm năng về nhiều mặt, cùng điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thế mạnh khí hậu ôn đới đặc trưng, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp xuất khẩu cho Nhật Bản, thị trường tiềm năng và triển vọng nhất châu Á.
Với tiềm năng về nhiều mặt, cùng điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thế mạnh khí hậu ôn đới đặc trưng, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp xuất khẩu cho Nhật Bản, thị trường tiềm năng và triển vọng nhất châu Á.

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Hợp tác đầu tư về nông nghiệp tại Lâm Đồng” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức ngày 23/3 tại thành phố Đà Lạt, thu hút gần 120 doanh nghiệp của Nhật Bản và Lâm Đồng (Việt Nam) tham dự.

Theo nghiên cứu, đánh giá của Công ty tư vấn DI (Nhật Bản) qua dự án “Hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng,” hiện đang là thời cơ lớn để Lâm Đồng trở thành cụm sản xuất hàng đầu xuất khẩu cho Nhật Bản, đặc biệt đối với hai nhóm sản phẩm chủ lực lâu nay của tỉnh là rau và hoa.

Theo DI, Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất châu Á đối với các sản phẩm rau củ đã qua chế biến (chiếm từ 66-70% lượng nhập khẩu của châu Á) và hoa tươi (chiếm gần 60% tổng nhập khẩu hoa cắt cành). Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng thì sản xuất tại chỗ của nước này đang bị thu hẹp.

Cùng với đó, các nước xuất khẩu lớn cho Nhật Bản, tức các đối thủ của Việt Nam, đang gặp nhiều khó khăn như Trung Quốc, nước xuất khẩu rau củ lớn nhất sang Nhật (53%), gặp vấn đề an toàn thực phẩm, hai nước dẫn đầu xuất khẩu hoa là Malaysia (35%) và Colombia (15%) đã giảm sản xuất, hạn chế mở rộng diện tích và cách xa Nhật Bản. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành nguồn cung ổn định cho thị trường Nhật Bản.

Để đạt được mục tiêu trên, theo các doanh nghiệp Nhật Bản, tỉnh Lâm Đồng cần giải quyết được những hạn chế, bất cập đang tồn tại. Với sản xuất rau, Lâm Đồng hiện đang vướng “ba điểm nghẽn” là chi phí sản xuất cao, nguồn cung không ổn định và quy mô nhỏ, chất lượng chưa đạt chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, sản xuất hoa của Lâm Đồng chưa phát triển cơ chế thị trường trong canh tác, phân phối lẫn thị trường tiêu thụ.

Để đưa Lâm Đồng trở thành nhà xuất khẩu nông nghiệp số 1 của Việt Nam, cụm sản xuất hàng đầu xuất khẩu cho Nhật Bản, theo DI, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp gồm hiện đại hóa chuỗi cung ứng rau, hiện đại hóa khâu sản xuất và phân phối hóa, tăng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của Nhật, xây dựng khu công nghiệp nông nghiệp, trung tâm sau thu hoạch rau quả, chợ đầu mối hoa, phát triển du lịch nông nghiệp.

Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, so với tiềm năng, thế mạnh và những yêu cầu đề ra, ngành nông nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập và khó khăn như sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ về công nghệ, thiếu vốn sản xuất, thị trường đầu ra còn bấp bênh...

Mặt khác, những thách thức mới đang phát sinh như quan hệ sản xuất trong nông nghiệp phát triển chậm, doanh nghiệp của địa phương phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính liên kết và khả năng hội nhập hạn chế.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã quan tâm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng như trồng rau, trồng dâu tây, tư vấn nhà kính, vận tải nông sản.

Lâm Đồng quyết tâm trở thành vùng nông nghiệp giá trị cao của cả nước và khu vực, trong đó rất cần sự tham gia, hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tỉnh mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu và hợp tác đầu tư theo mô hình nông nghiệp đa ngành, cụ thể là đầu tư vào khu công nghiệp nông nghiệp, trung tâm sau thu hoạch rau quả và chợ đầu mối hoa. Ngoài ra, địa phương cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật Bản về công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị, tài chính.

Lâm Đồng có tổng diện tích trên 977.000ha, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 316.000ha, trong đó có gần 40.000ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm trên 44% nền kinh tế của tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh nhiều loại cây trồng chủ lực, trong đó rau 53.660ha (11.887ha ứng dụng công nghệ cao), sản lượng hơn 1,78 triệu tấn; hoa 7.400ha (2.416ha ứng dụng công nghệ cao), sản lượng trên 2,3 tỷ cành. Năm 2014, Lâm Đồng xuất khẩu được 14.653 tấn rau quả các loại và hơn 211 triệu cành hoa tươi.

Nguồn: Vietnamplus.vn