menu search
Đóng menu
Đóng

Những cơ hội và thách thức khi Việt Nam liên tiếp ký FTA

08:49 10/06/2015
Theo Bộ Tài chính, việc Việt Nam liên tiếp ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, việc Việt Nam liên tiếp ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế.

Thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại và cũng đang tham gia đàm phán một số Hiệp định thương mại quan trọng khác. Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có 2 Hiệp định mới ký kết là FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam – Liên Minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA).

Về những cơ hội khi Việt Nam liên tiếp ký kết các FTA, Bộ Tài chính cho biết, hội nhập sẽ là đòn bẩy để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả nhập khẩu nguyên phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, qua đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ một sô thị trường truyền thống, góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước giảm, từ đó giá cả hàng hóa cạnh tranh hơn, thúc đẩy sản xuất để xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ khác nhau, nâng cao năng lực cạnh tranh. Người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa nhập khẩu và nội địa với chất lượng tốt hơn và giá cả phải chăng.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế còn là cơ hội to lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển dịch luồng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó nhiều doanh nghiệp được tiếp cận với các khoản vốn ưu đãi đầu tư, từ đó, đẩy nhanh cải cách, tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, nâng cao trình độ kinh doanh, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tạo tư duy làm ăn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, thông qua việc ký kết các FTA, công tác xây dựng chính sách cũng dần được hoàn thiện, từng bước đưa hệ thống chính sách của Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế, giúp nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến rõ nét.

Bên cạnh những cơ hội mà Việt Nam sẽ có được khi hội nhập sâu rộng vào thị trường kinh tế quốc tế, Việt Nam cũng gặp vô vàng khó khăn và thách thức đối với những FTA này.

Bộ Tài chính cho biết, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng là nguyên nhân làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế nước ta, thể hiện rõ nhất ở chất lượng tăng trưởng giảm sút. Tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thiên về chiều rộng, dựa chủ yếu vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, khai thác và xuất khẩu tài nguyên. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng các nguồn lực như vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai… và năng suất lao động vẫn ở mức thấp.

Riêng với doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ (chưa kể đến vấn đề các ngành sản xuất trong nước, phải đối mặt với sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng nhập khẩu).

Ngoài ra, còn những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường.

Cũng theo Bộ Tài chính, cho đến nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô xe máy của Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp phụ trợ thực sự phát triển. Quy hoạch phát triển ngành chưa hiệu quả kèm với năng lực canh tranh yếu kém dẫn đến ngành công nghiệp phụ trợ vẫn yếu kém.

Riêng đối với cơ quan quản lý Nhà nước, nhu cầu hoàn thiện và bổ sung cơ chế, các chính sách về phát triển các ngành công nghiệp, chăn nuôi trong nước trong khi năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu kém. Công tác tuyên truyền phổ biến về hội nhập còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa nắm được nội dung các Hiệp định, chưa có sự chuẩn bị kỹ cho các bước cắt giảm.

Trước những thách thức này, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về thuế và hải quan để giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã triển khai điều chỉnh một số chính sách thuế nội địa phù hợp, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, bãi bỏ tỷ lệ khống chế chi cho quảng cáo…

Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập, tập trung tìm hiểu các mặt hàng, mà doanh nghiệp mình kinh doanh có lộ trình cắt giảm thuế như thế nào, để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng được các cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh.

Nguồn: vnmedia.vn

Nguồn:Vinanet