menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển thị trường nội địa

09:15 21/07/2014
Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm thì việc tận dụng tốt hơn thị trường trong nước chính là hướng đi quan trọng cho nhóm hàng nông lâm thủy sản.

Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm thì việc tận dụng tốt hơn thị trường trong nước chính là hướng đi quan trọng cho nhóm hàng nông lâm thủy sản.

Hơn nửa năm đã trôi qua nhưng câu chuyện được mùa mất giá vẫn là bài toán thường trực đòi hỏi phải có chiến lược và giải pháp lâu dài, nhất là không quá phụ thuộc vào một thị trường. Để kim ngạch xuất khẩu cả năm 2014 đạt mức 146 tỷ USD hoàn toàn không phải điều dễ dàng khi nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là nông lâm thủy sản đang gặp khó cả về giá cả và thị trường.

Đánh giá bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 70,88 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ và đạt 44,7% kế hoạch năm. Không những vậy, xuất khẩu tăng trưởng khá ở hầu hết các mặt hàng chủ lực với 13 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dầu thô; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; cà phê; gạo; túi xách, va li, mũ, ô dù; xơ, sợi dệt các loại… Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp, đặc biệt trong hoàn cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như thời gian qua.

Đáng chú ý, việc xuất khẩu nông lâm thủy tuy vẫn tăng về sản lượng nhưng lại sụt giảm về giá trị khiến tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này bị ảnh hưởng. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 10,78 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,6% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm về giá đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu nhóm này giảm 219,3 triệu USD. Nguyên nhân chính là do khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến nhu cầu về mặt hàng này chưa ổn định và tăng cao trở lại.

Đại diện cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP) cho rằng thị trường nước ngoài đã khó khăn nhưng bản thân trong nước lại khó khăn hơn nữa. Tuy kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng thủy sản trong 6 tháng đầu năm tăng nhưng bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thủy sản lại hết sức khó khăn. Theo thông lệ quốc tế, khi doanh nghiệp có hơn 400 nhà máy được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận thì cơ quan nhà nước chỉ thẩm tra xem doanh nghiệp làm có tốt không. Dù vậy, nhiều Thông tư từ phía cơ quan chức năng ban hành mới ra được hơn 6 tháng nhưng tần suất kiểm tra đối với doanh nghiệp lại nhiều hơn, gây phiền hà và tốn chi phí.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã ra nhiều Chỉ thị, biện pháp tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản như Chỉ thị 08/CT-BCT, ngày 1/4/2014 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ thóc, gạo; Chỉ thị 12/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản… Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng đã có cuộc họp bàn để rà soát lại vấn đề thị trường, qua đó tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể là xác định phát triển nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến, gắn với các chuỗi giá trị nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao…

Hiện, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tập trung tái cơ cấu sản xuất và nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp thông qua liên kết và hình thành những chuỗi giá trị, đặc biệt trong nông lâm thủy sản. Đơn cử như khi xây dựng Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã gắn những điều kiện cụ thể cho doanh nhân nhằm hình thành những chuỗi giá trị như liên kết với nông dân để tạo cơ chế sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho sản phẩm…

Bên cạnh việc tìm hướng xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng đang tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa như tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và phát triển hệ thống phân phối, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi và biên giới.

Ngoài ra, việc đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống doanh nghiệp chuyên thu mua, tạm trữ sản phẩm tại thị trường nội địa. Đây là điều kiện liên quan rất lớn đến thành công của hệ thống phân phối nói riêng cũng như phát triển ngành nông nghiệp nói chung. Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng đang tìm giải pháp để tạo khuôn khổ thuận lợi nhằm giúp cho doanh nghiệp có được chỗ đứng sâu trong các hệ thống phân phối. Bài học từ sự thành công của quả vải thiều thời gian qua cho thấy cần tiếp cận sâu hơn với thị trường tiềm năng trong nước bằng cách tận dụng triệt để hệ thống phân phối nội địa của Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, từ đó đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập siêu nhằm tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông lâm, thủy sản.

Nguồn: TTXVN

 
 

Nguồn:Vinanet