menu search
Đóng menu
Đóng

Quan hệ thương mại Việt Nam – các nước Nam Á: Tiềm năng và triển vọng

09:28 20/01/2014
Đối với các thị trường các nước Nam Á, tiềm năng và triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp còn rất khả quan, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả các thị trường này. Dự báo trong năm 2014 sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Nam Á trong thời gian tới.

Đối với các thị trường các nước Nam Á, tiềm năng và triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp còn rất khả quan, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả các thị trường này. Dự báo trong năm 2014 sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Nam Á trong thời gian tới.

Chính trị, kinh tế, xã hội dần thoát khỏi khủng hoảng

Tại khu vực Nam Á, năm 2013 tiếp tục chứng kiến các bất ổn về mặt chính trị, tôn giáo tại các nước Áp-gha-nix-tan, Pa-kít-xtan, Băng-la-đét. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tình hình an ninh xã hội tại Pa-kít-xtan vẫn diễn biến phức tạp với những vụ khủng bố diễn ra liên tiếp ở một số thành phố lớn. Tại Băng-la-đét, ngay sau khi Ủy ban Bầu cử thông báo tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 05/01/2014, những người biểu tình đụng độ với cảnh sát, phong tỏa giao thông. Ðảng Dân tộc chủ nghĩa Băng-la-đét (BNP) đứng đầu liên minh Hồi giáo đối lập đã kêu gọi hành động để phản đối tổng tuyển cử vào đầu năm tới. đồng thời muốn cuộc tổng tuyển cử được tiến hành bởi một chính phủ trung lập phi đảng phái. Tại Xri Lan-ca tình hình xã hội cũng chưa thực sự bình yên do mâu thuẫn tôn giáo. Tại Ấn Độ, các đảng phái đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thủ tướng mới vào năm 2014, tuy nhiên tình hình chính trị vẫn ổn định và không có biến động lớn.

Về kinh tế, các nước khu vực Nam Á đang dần thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng và có mức tăng trưởng khá cao, ở mức 5,2% (IMF tháng 10/2013), trong đó Ấn Độ đạt 5,7% trong năm tài chính 2013, Pa-kít-xtan đạt 3,58%, Băng-la-đét 5,75%, Xri Lan-ca 6,25%, Áp-gha-nix-tan 3,06%, Man-đi-vơ 3,46%, Bu-tan 5,83%, Nê-pan 3,65%. Sau khủng hoảng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng tại các thị trường khu vực tăng mạnh trở lại, là một trong những động lực thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Nam Á, Ngân hàng Thế giới WB cảnh báo Ấn Độ, Pa-kít-xtan và Băng-la-đét và các nước láng giềng về tình trạng dễ bị tổn thương do nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài sụt giảm trong năm 2013, điều này sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Á sẽ không như mong đợi trong tài khóa 2013-2014. Nam Á không còn là khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới sau Đông Á, thậm chí châu Âu cũng đã vượt qua và sắp tới là châu Phi. Tại Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ và ngân hàng Trung Ương đã công bố các biện pháp hỗ trợ đồng Rupee nhưng các nhà đầu tư vẫn không mấy ấn tượng khi vừa qua, đồng Rupee lại tiếp tục rơi xuống mức thấp hơn là 62,8 so với đồng đô la.

Các nền kinh tế Nam Á đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các nhà đầu tư và từ thị trường vốn. Ngoài ra, các yếu tố ảnh hưởng khác là tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao và nợ công quá lớn so với GDP, ngoài ra tỷ lệ lạm phát đang tăng gấp đôi so với các khu vực khác. Với 500 triệu người hiện sống trong cảnh dưới mức nghèo, Nam Á là khu vực có tỷ lệ nghèo đói lớn nhất thế giới, thậm chí còn hơn cả châu Phi. Cũng trong bản báo cáo, WB dự báo tăng trưởng GDP của Nam Á sẽ tăng 4,4% trong năm 2013, 5,7% vào năm 2014 và 6,2% vào năm 2015.

Nhiều thành tựu hợp tác

Trong năm 2013, Bộ Công Thương tiếp tục có những hoạt động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động hợp tác, giao thương với các nước khu vực Nam Á nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này. Nổi bật trong các hoạt động này là việc tổ chức thành công kỳ họp Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại với Pa-kít-xtan, kỳ họp UBHH với Băng-la-đét.

Tại kỳ họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp với Pa-kít-xtan tại Islamabas từ ngày 27 đến 29/8/2012, Pa-kít-xtan đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đây chính là bước tiến mới cho quan hệ thương mại giữa hai nước nâng lên một tầm cao mới. Tại Kỳ họp UBHH Việt Nam – Băng-la-đét vào tháng 4/2013, hai bên đã thống nhất gia hạn Biên bản ghi nhớ về Thương mại gạo (ký tháng 4/2011) đến hết năm 2016; nhất trí thành lập Tiểu ban hỗn hợp chuyên trách về hợp tác trong lĩnh vực thương mại.

Cũng trong năm 2013, Tiểu ban Hỗn hợp thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã được thành lập và tổ chức thành công kỳ họp đầu tiên vào tháng 11. Bên cạnh đó, đoàn Bộ trưởng Dầu mỏ Xri Lan-ca sang thăm và làm việc tại Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xăng dầu và các hàng hóa, dịch vụ khác có liên quan giữa hai nước.

Về trao đổi thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam với các nước khu vực Nam Á có tốc độ tăng trưởng khá cao so với các khu vực khác, ước tính đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nam Á đạt khoảng 3,25 tỷ USD, tăng 35% và nhập khẩu hàng hóa từ các nước Nam Á đạt khoảng 2,95 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2012.

Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt mức độ tăng trưởng khả quan với tốc độ tăng ấn tượng. Trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng trung bình trên 40%. Đặc biệt kể sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa AITIG bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã có sự biến chuyển đáng kể. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành hàng cũng như tăng về trị giá xuất khẩu, dần dần tạo được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin đối với người tiêu dùng tại thị trường này.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tính đến hết 11 tháng năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng này đạt 1,5 tỷ USD, chiếm gần 70% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.

Đối với thị trường Pa-kít-xtan, trao đổi thương mại hai chiều có tốc độ tăng trưởng nhanh với mức tăng trung bình 20 %/năm giai đoạn từ 2000 – 2012. Năm 2013, tình hình bất ổn chính trị kéo dài tại Pa-kít-xtan trong thời gian diễn ra bầu cử Tổng thống đầu năm 2013 với hàng loạt các cuộc biểu tình, bạo động, khủng bố diễn ra trên nhiều tỉnh thành đã làm đình trệ nhiều ngành sản xuất, cũng như ảnh hưởng lớn đến đầu tư và thương mại tại Pa-kít-xtan. Do tình hình an ninh, chính trị bất ổn tại Pa-ki-xtan hồi đầu năm đã tác động tiêu cực đến trao đổi thương mại giữa hai nước, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 324 triệu USD, bằng 82% so với năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 181 triệu USD, bằng 104% so với năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm chè, sơ xợi dệt, hạt tiêu, thủy sản, điều, sắt thép... Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Pa-kít-xtan vào Việt Nam giảm 34% so với năm 2012. Mức giảm lớn này chủ yếu do Việt Nam giảm nhập khẩu các mặt hàng phục vụ trong ngành sản xuất dệt may, da giầy như bông (-70,2%), vải các loại (-28,2%).

Xri Lan-ca là quốc gia có thu nhập đầu người đứng đầu khu vực Nam Á, hiện đang tích cực tái thiết đất nước, mở cửa và phát triển nền kinh tế, nhu cầu giao thương và sức mua tăng đáng kể. Trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước trong thời gian qua đã có sự biến chuyển tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính đến hết năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Xri Lan-ca đạt khoảng 155 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 122 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 33 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam từ Xri Lan-ca bao gồm clanhke, vải, cao su, dây điện và dây cáp điện, điện thoại di động và linh kiện… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam là thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may da giày, vải, hạt tiêu.

Đối với thị trường Băng-la-đét, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường năm 2013 ước đạt trên 500 triệu USD, tăng mạnh trên 42% so với năm 2012. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có kim ngạch tăng trưởng tốt, bao gồm: mặt hàng xơ, sợi dệt các loại đạt 33,6 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 27,8 triệu USD); mặt hàng dệt may đạt 19,6 triệu USD, tăng 20,2% (11 tháng 2012 đạt 16,3 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 8,7 triệu USD, tăng 42,6% (6,1 triệu USD). Tuy nhiên, một số mặt hàng có kim ngạch giảm sút, đáng kể nhất là mặt hàng sắt thép các loại.

Tiềm năng và triển vọng khả quan

Nhìn chung tình hình đầu tư của các nước khu vực Nam Á vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với các khu vực khác. Tính đến hết tháng 12 năm 2013, Ấn Độ có 77 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 250 triệu USD, xếp hạng 30 trong số các nước vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; Xri Lan-ca có 9 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 13,94 triệu USD, đứng thứ 65. Pa-kít-xtan có 10 dự án với số vốn chỉ 1,9 triệu USD; Băng-la-đét có 2 dự án trị giá 500.000 USD. Điển hình trong năm 2013, Tập đoàn Tata Power của Ấn Độ đã được phía Việt Nam cấp phép tham gia đầu tư xây dựng nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW tại Sóc Trăng, trị giá 1,8 tỷ USD, theo phương thức BOT. Dự kiến nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 sẽ được khởi công xây dựng năm 2015 và cho ra điện thương phẩm năm 2019.

Về hướng ngược lại, đầu tư của Việt Nam vào các nước Nam Á vẫn rất hạn chế, đến cuối năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia đầu tư vào 3 dự án tại Ấn Độ với số vốn 860.000 USD, vào 1 dự án tại Băng-la-đét với số vốn 100.000 USD.

Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng cao của thế giới và khu vực châu Á, triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là hết sức to lớn. Tận dụng triệt để các lợi thế về cắt giảm thuế quan thông qua viêc thực hiện Hiệp định AITIG sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước xâm nhập thị trường của nhau mạnh mẽ hơn, do đó có triển vọng tăng lợi thế cạnh tranh về nhiều mặt hàng so với các nước khác. Lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu cho trao đổi thương mại song phương đạt mức 7 tỷ USD năm 2015.

Nền kinh tế Pa-kít-xtan dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, sản xuất đình đốn do thiếu chất đốt, giá cả hàng tiêu dùng trong nước tăng cao nên dự báo nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Pa-kít-xtan sẽ tăng cao trong năm 2014. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn về kinh tế và chính trị tại Pa-kít-xtan dự báo sẽ còn kéo dài, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Pa-kít-xtan năm 2014 dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ và tập trung vào một số mặt hàng truyền thống như chè, hải sản, cao su, hạt tiêu, hạt điều… Từ 1/9/2013, hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) giữa Pa-kít-xtan và In-đô-nê-xia bắt đầu có hiệu lực thi hành. Dự báo trong thời gian tới, sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Pa-kít-xtan và một số mặt hàng khác sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn từ phía In-đô-nê-xia.

Chính phủ Xri Lan-ca đang đặt mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế, thương mại, hàng không, hàng hải và tri thức quan trọng của khu vực Nam Á. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với dân số trên 21 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và mức thu nhập bình quân đầu người cao trong khu vực Nam Á, thị trường mới nổi này có sức hút rất lớn. Việt Nam và Xri Lan-ca khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động tại nước kia, nhất là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như sản xuất và chế biến chè tại Việt Nam, thăm dò, khai thác và cung cấp các sản phẩm dầu khí cũng như xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực này tại Xri Lan-ca. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD vào năm 2015.

Băng-la-đét với dân số trên 161 triệu người là thị trường lớn ở khu vực các nước Nam Á và có sức tiêu thụ mạnh đối với nhiều loại hàng hóa. Hiện nay, Băng-la-đét đang nỗ lực và khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước nhằm tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ (giá nhân công của Băng-la-đét thuộc loại rẻ nhất trong khu vực), giá thuê đất thấp, các chính sách khuyến khích đầu tư thuận lợi. Vì vậy, bên cạnh hoạt động trao đổi thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu, xem xét cơ hội đầu tư sản xuất tại Băng-la-đét trong lĩnh vực như dệt may, cơ khí nông nghiệp, công nghiệp... để phục vụ nhu cầu trong nước của Băng-la-đét và đối với riêng lĩnh vực dệt may còn có thể xuất khẩu sang nước thứ ba (nhất là tận dụng được những ưu đãi thương mại mà EU dành cho Băng-la-đét).

Đối với các thị trường còn lại tại khu vực Nam Á, tiềm năng và triển vọng tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp còn rất khả quan, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả các thị trường này. Ngoại trừ Áp-gha-nix-tan, tình hình chính trị, xã hội tại các nước như Nê-pan, Man-đi-vơ, Bu-tan trong năm 2014 dự báo khá ổn định là điều kiện thuận lợi đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên trong thời gian tới.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

 

Nguồn:Vinanet