menu search
Đóng menu
Đóng

Sắn - được đưa vào nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực

14:17 24/09/2009
Năm 2009, dự báo cây sắn sẽ đem lại một khoản ngoại tệ không nhỏ - khoảng trên dưới 800 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, sắn là một trong ít các mặt hàng có khối lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, được Bộ Công Thương đưa vào nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Bộ Công Thương cho biết, 7 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xuất khẩu được 2,66 triệu tấn sắn và tinh bột sắn; tăng 4,4 lần về lượng và 2,8 lần về giá trị; đạt kim ngạch 408 triệu USD. Có được kết quả này là do thị trường Trung Quốc đang phục hồi. Là nước đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Brazil) về sản xuất ethanol, Trung Quốc đang cần một lượng sắn lát rất lớn cung ứng cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, ngoài việc làm thức ăn chăn nuôi (đang giảm nhẹ).

Ước tính mỗi năm nước này phải nhập khẩu từ 6 - 6,5 triệu tấn sắn. Ngoài ra Trung Quốc còn liên kết với Lào, Nigieria, Philippines... để trồng sắn. Chính vì vậy, giá sắn lát của Việt Nam đang tăng dần trở lại. Năm 2008, bình quân giá sắn khô 3.000 đ/kg; những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 giảm mạnh xuống còn 1.500 - 1.700 đ/kg và đã tăng lên 1.900 - 2.100 đ/kg.

Sau khi đã giảm mạnh xuống mức rất thấp trong những tháng đầu năm 2009, có lúc xuống còn 135 USD/tấn, giờ giá sắn đang trong xu thế phục hồi. Hiện tại cảng Sài Gòn, giá sắn xuất vào khoảng 176-180 USD/tấn (tương đương khoảng 3.180 đ/kg). Còn ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), giá sắn lát 2.800 - 2.900 đ/kg. Tuy vậy, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức giá xuất khẩu bình quân 275 USD/tấn trong 7 tháng đầu năm 2008.             

Theo ước tính của Bộ Công Thương, với tổng diện tích vào khoảng 510.000 ha, năng suất bình quân 15,7 tấn/ha, năm nay tổng sản lượng sắn cả nước đạt khoảng 8,1 - 8,6 triệu tấn. Nếu trừ đi 22,4% sản lượng vào chế biến thức ăn chăn nuôi; 16,8% cho chế biến thủ công và 12,2% dùng ăn tươi, thì còn khoảng 48,6% (tương đương trên 4 triệu tấn sắn) phục vụ xuất khẩu. Cộng thêm lượng sắn tồn kho khá lớn từ năm ngoái chuyển sang, năm nay cả nước có thể xuất khẩu tới 4,5-5 triệu tấn sắn.

Với lượng sắn có thể xuất khẩu được trong 5 tháng cuối năm từ 1,8 - 2,3 triệu tấn, nếu giữ được giá xuất khẩu như hiện nay (175 USD/tấn) thì năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu sắn có thể đạt tới 800 triệu USD.

Hiện nay thị trường xuất khẩu sắn của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, chiếm tới 90%, sau đó là Hàn Quốc 5%, Đài Loan 2%; thị trường EU, Việt Nam mới chiếm 1,7% tổng thị phần nhập khẩu tinh bột sắn. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu nước này có những thay đổi trong chính sách điều hành nhập khẩu, cũng như có biện pháp kinh tế nhằm ép giá.

 Thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn 7 tháng năm 2009

Thị trường

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Ai Cập

4.043

1.017.607

Đài Loan

 51.736

10.615.110

Hàn Quốc

139.058

19.255.900

Malaixia

4.992

1.236.826

Nga

3.123

766.980

Nhật Bản

7.930

1.851.434

Philippin

24.251

5.445.194

Trung Quốc

2.342.909

354.697.746

Nguồn:Vinanet