menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Đông: Điểm đến cho các doanh nghiệp Việt Nam

14:47 02/01/2009
Trong mấy năm gần đây, XK của Việt Nam sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á được đánh giá là có sự tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, 1 trong 3 khu vực thị trường này là Trung Đông đã được Chính phủ Việt Nam gắn với năm 2008 là “năm Trung Đông”, đó không phải là một sự ngẫu nhiên mà đã có sự tính toán, thể hiện sự chú trọng của Việt Nam từng bước. Trung Đông là vùng đất giao thoa giữa 3 châu lục Á-Âu-Phi, gồm 15 quốc gia: Saudi Arabia, Bahrain, Iran, Iraq, Israel, Jordany, Kuwait, Lebanon, Oman, Palestine, Qatar, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Yemen với dân số 250 triệu người.

Trung Đông là vùng đất giao thoa giữa 3 châu lục Á-Âu-Phi, gồm 15 quốc gia: Saudi Arabia, Bahrain, Iran, Iraq, Israel, Jordany, Kuwait, Lebanon, Oman, Palestine, Qatar, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Yemen với dân số 250 triệu người.

Ước tính cả năm 2008, Trung Đông XK 1.093,6 tỉ USD và NK 541,5 tỉ USD. Dự kiến năm 2009, Trung Đông XK khoảng 1.099,8 tỉ USD và NK 622,3 tỉ USD. Mặt hàng XK quan trọng của Trung Đông chủ yếu là dầu thô và các sản phẩm hóa dầu hoặc có chiết xuất và liên quan tới dầu thô. Các mặt hàng NK chủ yếu là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và máy móc thiết bị.

Mặc dù là nơi tiềm ẩn nhiều bất ổn chính trị, nhưng trong những năm gần đây, kinh tế Trung Đông đã có sự bùng nổ rõ rệt, nhất là từ năm 2007. Hiện nhiều nước Trung Đông đang hướng hoạt động thương mại, đầu tư của mình sang phía Đông, trong đó có Việt Nam, cũng tạo thêm cơ hội để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và gia tăng thị phần ở thị trường này. Lợi thế nữa là hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia Trung Đông. Nhiều hiệp định, nghị định song phương đã được ký kết với các nước trong khu vực này, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác 2 bên như: Hiệp định thương mại, Hiệp định Hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, Hiệp định Vận tải hàng hải.... Nhờ vậy, hoạt động buôn bán của Việt Nam với các nước trong khu vực Trung Đông đang có sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Đông đạt 1,19 tỷ USD; trong đó, Việt Nam XK 700 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2006, và NK 490 triệu USD. Năm 2008, dự kiến XK của Việt Nam sang Trung Đông có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2007.

Nếu nói đến Trung Đông thì điểm nhấn quan trọng nhất đó chính là Hội đồng Hợp tác kinh tế vùng Vịnh (gồm 6 nước vùng vịnh: Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Oman, Bahrain, Qatar - gọi tắt là GCC). Mặc dù là nơi tiềm ẩn nhiều bất ổn chính trị, song GCC vẫn là thực thể kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới và trong vòng một thập kỷ tới và với đà phát triển hiện nay, GCC sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sự bùng nổ về đầu tư trong khu vực đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế, xã hội các nước GCC. Điều đáng chú ý, hiện các nước GCC đang tích cực cơ cấu lại nền kinh tế của mình. Theo đó, xu hướng mở cửa kinh tế của GCC ngày càng được thể hiện rõ nét ở các hoạt động: tăng cường hoạt động ngoại thương, tự do hóa thương mại, tạo ra làn sóng đàm phán về hiệp định tự do thương mại (FTA) trong nội khối và với các nước khác trên thế giới để đẩy nhanh tiến trình khu vực hóa và toàn cầu hóa về thương mại. Kể từ tháng 1/2008, các nước GCC đã bắt đầu thực hiện khu vực thị trường chung trong toàn khối: tự do di chuyển về người và hàng hóa trong nội bộ GCC. Ngoài ra, GCC cũng lên chương trình từ nay đến 2010 biến khối này thành một liên minh tiền tệ cùng sử dụng chung một đồng tiền... Với những thay đổi lớn như vậy, các nước GCC đang mở ra rất nhiều cơ hội giao thương buôn bán cho các nước, trong đó có Việt Nam. Nhất là, nếu nhìn vào danh mục các mặt hàng cần NK cho thấy, Việt Nam có khá nhiều ưu thế để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường rộng lớn này.

Theo nghiên cứu, một số thị trường nổi bật lên như: Saudi Arabia là thị trường lớn ở khu vực vùng Vịnh với dân số tương đối đông 27,6 triệu người và là một nền kinh tế lớn của GCC với trữ lượng dầu mỏ lên tới 260 tỉ thùng. Hàng năm, Saudi Arabia có nhu cầu NK với số lượng lớn các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, hải sản, đồ gỗ, hàng nông sản (hạt tiêu, gạo, chè, hạt điều), thủ công mỹ nghệ, máy tính và linh kiện điện tử....

Một thị trường lớn mà các DN Việt Nam nên chú trọng hơn nữa chính là các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Được biết, kim ngạch XK của Việt Nam với thị trường này đang tăng dần. Nếu như năm 2006, kim ngạch XK mới đạt khoảng 140 triệu USD thì năm 2007, con số này đã gần tăng gấp 2 với kim ngạch 260 triệu USD, năm 2008, kim ngạch có khả năng tăng 55%. Các mặt hàng chủ yếu là hải sản, hạt tiêu, dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, đồ gỗ, cà phê, hạt điều...

Do không bị tác động nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, nên kinh tế của các nước Trung Đông tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2008, vì thế nhu cầu NK không bị ảnh hưởng. Tuy vậy, vấn đề phát triển quá nóng hiện đang là mối lo ngại của các nước này. Nhất là từ năm 2009, sức ép về lạm phát tăng ở mức cao, đặc biệt là ở những nước XK dầu lửa. Bởi với tình hình giá dầu mỏ hiện nay rất thấp, khiến cho nguồn thặng dư ngoại tệ ở các nước XK dầu mỏ sẽ giảm đáng kể, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tăng trưởng GDP của Trung Đông sẽ giảm từ mức 6,2% trong năm 2008 xuống còn 5,9% trong năm 2009, và con số này còn có thể giảm hơn nữa. Chính vì vậy, nhu cầu NK, cơ cấu, chất lượng hàng hóa có thể cũng sẽ bị tác động và suy giảm đáng kể. Các cơ quan chức năng và đặc biệt là các DN, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần phải quan tâm nghiên cứu để đưa ra những sách lược chinh phục và đẩy mạnh XK những mặt hàng gì và vào thị trường nào.

Theo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương, thời gian gần đây, cơ cấu hàng XK của Việt Nam vào thị trường này cũng đang dần thay đổi, lượng XK hàng nông sản và nhiên liệu ngày càng có xu hướng giảm. Lượng XK các mặt hàng có hàm lượng chất xám và hàm lượng lao động cao sang khu vực Trung Đông đang gia tăng, chẳng hạn như các mặt hàng điện tử, đồ gỗ, giày dép... trong đó, có những mặt hàng tăng trưởng tới 88-100%.

Mặt khác, Trung Đông là khu vực có sức tăng trưởng kinh tế rất nhanh, trung bình khoảng 6 - 14%, hơn nữa, chính sách thuế cũng rất giống nhau, thuế NK chỉ ở mức từ 0-4%. Vì vậy, tính cạnh tranh của hàng hoá tại đây rất cao. Điều đó đòi hỏi các DN phải XK hàng hoá đảm bảo chất lượng đúng như cam kết trong hợp đồng đã ký kết, và đặc biệt thời gian giao hàng phải đúng hẹn.

Một vấn đề nữa mà các DN Việt Nam cần lưu ý, đó là năng lực NK của khá nhiều thị trường là rất lớn nhưng những năm qua, Việt Nam chủ yếu vẫn nhập siêu là chính. Vì dụ, Saudi Arabia là một trong những thị trường lớn của Trung Đông nhưng năm 2007, Việt Nam chỉ XK sang nước này 51 triệu USD mà phải NK tới 131 triệu USD… Được biết, một trong những nguyên nhân chính là bởi các DN của khu vực Trung Đông còn biết rất ít thông tin về thị trường và DN Việt Nam và ngược lại, số DN Việt Nam tham gia thị trường này cũng chưa phải nhiều. Chính vì thế, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu NK của nhiều thị trường lớn bị suy giảm, Trung Đông chính là một trong những lối mở để các DN, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần tiếp cận, xúc tiến thương mại, để nguồn hàng trong nước được lưu thông, kim ngạch XK duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Hiện Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ là hai thị trường XK hàng đầu của Việt Nam ở khu vực này. Tiếp theo là Israel, Saudi Arabia... Các mặt hàng chính Việt Nam XK sang Trung Đông gồm: gạo, cà phê, sản phẩm dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, giày dép, chất dẻo nguyên liệu, hải sản, sợi, cao su, than đá, chè, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam NK từ Trung Đông chủ yếu là xăng dầu, sản phẩm hóa dầu, phân bón, hóa chất, sắt thép, chất dẻo...

Điều đáng lưu ý trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Đông trong hai năm gần đây là sự chuyển dịch cơ cấu thị trường XK. Nếu các năm trước, XK của Việt Nam sang Trung Đông chủ yếu qua Iraq và UAE, thì từ năm 2007, hoạt động XK của Việt Nam đã mở rộng hơn sang các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Saudi Arabia. Nhờ vậy, cán cân XNK đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu đối với khu vực này.

Về phía các DN Trung Đông, những năm gần đây cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới thị trường Việt Nam, đặc biệt là với một số dự án đầu tư trực tiếp như: Nhà máy thép Zamil Steel (Đồng Nai), Khu du lịch giải trí cao cấp Raffles Resort (Đà Nẵng) thể hiện sự thành công trong hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Năm 2008, là năm Việt Nam chọn làm trọng điểm trong quan hệ hợp tác với Trung Đông và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký các thỏa thuận về hợp tác dầu khí với Oman, Qatar, Bahrain.

Nguồn:Vinanet