menu search
Đóng menu
Đóng

Về khả năng xuất khẩu theo phương thức giao hàng tại kho ngoại quan ở Bỉ

09:36 27/03/2009
Phương thức đưa hàng nhập khẩu vào kho ngoại quan là phương thức rất thông dụng và được tất cả các doanh nghiệp thực hiện trong việc nhập khẩu hàng hóa vào Bỉ cũng như xuất khẩu hàng hóa của Bỉ ra nước ngoài.
Vị trí thuận lợi nhất cho kho ngoại quan là tại các cảng biển và cảng hàng không chủ yếu của Bỉ, cụ thể như sau:
Cảng Antwept là cảng lớn thứ 2 châu Âu, xử lý khoảng 200 triệu tấn hàng/năm, là đầu mới đường ống chủ yếu và trung tâm hóa chất lớn nhất châu Âu; có hệ thống kho có mái che lớn nhất châu Âu (5,2 triệu m2); cung cấp tất cả các loại dịch vụ logistics cho tất cả các loại hàng hóa. Hệ thống kho gồm các loại kho đa năng và chuyên dùng, trong đó có 1,372 triệu m2 kho lạnh. Cảng có các terminal riêng cho các loại hàng hóa như: ô tô, ngũ cốc, đồ sành sứ, than và quặng, cà phê, container, phân bón, gỗ, hàng nguy hiểm, sắt thép, hàng mau hỏng, hàng nhựa, đường, bồn chứa hàng lỏng.
Tại Bỉ, các doanh nghiệp thường sử dụng hệ thống kho của cảng Antwept do lớn và thuận lợi nhất. Tại cảng Antwept, hàng hóa được gửi miễn phí tại kho ngoại quan trong 14 ngày đầu. Từ ngày thứ 15, phí lưu kho ngoại quan được tính cố định và cũng bằng phí lưu kho sau thông quan (đối với hàng thường không có pallet là 4 Euro/tấn/tháng và đối với hàng đông lạnh là 6 Euro/pallet/tuần). Việc sử dụng kho ngoại quan thời gian dài là vấn đề các doanh nghiệp phải tính toán đối với từng loại hàng hóa và từng thời điểm nhất định.
Cảng Ghent: xử lý khoảng 40 triệu tấn hàng hóa/năm, được nối với Biển Bắc qua kênh Ghent-Terneuzen (tàu kiểu Panamax với mức ngấn nước 12,3 m có thể qua lại dễ dàng), là đầu mối đường bộ xuyên châu Âu: E 17 nối Scandinavia với Bồ Đào Nha; E 34 từ các cảng kênh của Pháp tới vùng Ruhr của Đức; E 40 nối giữa Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả các cầu cảng đều được nối với hệ thống đường sắt của châu Âu và cảng cũng được nối với các tuyến đường sông, kênh nội địa châu Âu. Cảng là trung tâm Logistics đối với vận tải biển và các hình thức vận tải khác.
Hệ thống kho và dịch vụ của cảng cho phép xử lý, tái chế, đóng gói và bán hàng là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất nước ngoài bán hàng vào thị trường nội địa của Bỉ. Ghent có các terminal chuyên cho các loại hàng hóa: ô tô, ngũ cốc, than, quặng, phân bón, phốt phát, nước quả, mật đường, kéo dán...Cảng có lượng kho có thể chứa đến hơn 1 triệu tấn hàng nông sản và đứng hàng đầu châu Âu về chứa nước quả (lớn nhất là nước quả từ Brazin). Khu vực quanh cảng là nhà máy sản xuất ô tô Volvo (xe tải và xe con) và thép Arcelor và trung tâm phân phối chính của Honda.
Cảng Zeebrugge: có thể cho phép tàu tải trọng 14.000 TEU ra vào, có 4 đường ô tô và hệ thống đường sắt nối với thị trường nội địa châu Âu, được thiết kế phù hợp với các loại tàu ro-ro và container, là terminal khí lớn nhất châu Âu và là cảng nhập khẩu quan trọng nhất của Bỉ đối với các mặt hàng ô tô, khí tự nhiên hóa lỏng, là cảng chuyển tiếp hàng đầu đối với hàng hóa của các nước bán đảo Scandinavia và Anh tới các nước Nam Âu.
Do cảng Zeebrugge có vai trò trung chuyển là chính nên chỉ có hệ thống kho không lớn và hàng hóa thông thường chỉ lưu tại cảng 1-2 ngày. Giá thuê kho tại Zeebrugge là 2,5 Euro/pallet/tuần.
Cảng Ostend: là cảng nhỏ nhất của Bỉ trước đây chủ yếu là cảng hành khách nhưng nay vận tải hàng hóa, logistics và xử lý hàng hóa đã được phát triển mạnh hơn. Cảng cũng có hệ thống đường bộ, đường sắt và kênh nối với nội địa châu Âu.
Vận tải đường hàng không của Bỉ có sân bay Zaventem chỉ cách thành phố Brussels 16 km, là cảng hàng hóa hàng không lớn thứ 5 châu Âu; sân bay Charleroi cách Brussels 55 km tuy nhỏ nhưng có khu kho 1200 m2; sân bay Ostend chuyên cho hàng ngoại cỡ, hàng mau hỏng và động vật sống; sân bay Liege là cảng hàng hóa hàng không đứng thứ 8 châu Âu, chủ yếu trung chuyển hàng đi châu Âu, hiện nay là đầu mối tập trung rau quả tươi của Israel và hàng của công ty DHL.
Trên các tuyến đường bộ, Bỉ cũng có kho giáp biên giới với Hà Lan (tại tỉnh Antwerpen) và Đức (tỉnh Liege) chủ yếu phục vụ việc trung chuyển hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể đăng ký kho ngoại quan không ở ngay cạnh cửa khẩu. Tuy nhiên do các thủ tục thông quan phức tạp và tốn nhiều chi phí hơn nên hầu như không được sử dụng cho hàng hóa thương mại thông thường.
Trong thực tế hàng hóa nhập từ Việt Nam (không chỉ để vào Bỉ mà còn vào rất nhiều nước EU khác, đặc biệt là Pháp) chủ yếu qua cảng Antwept, trong đó cà phê được cất giữ nhiều tại kho ngoại quan để tham gia đấu giá tại Sở giao dịch cà phê Luân Đôn. Trong thời gian gần đây, lượng hàng Việt Nam qua cảng Zeebrugge đang tăng dần (giày dép, may mặc, thủy sản...). Trong thời điểm hiện nay, tốt nhất các doanh nghiệp nên thuê kho ngoại quan tại cảng Antwept vì thuận lợi và giá rẻ. Hơn nữa, do hệ thống kho rất lớn nên lúc nào cũng có thể thuê được kho. Riêng đối với hàng đông lạnh, nếu lượng hàng lên đến vài trăm container mới có thể có khó khăn trong việc thuê kho vào mùa cao điểm.
 (ECVN)

Nguồn:Vinanet