menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư Thái Lan

08:36 11/08/2014
Các doanh nghiệp (DN) Thái Lan đang có xu hướng "đổ bộ" vào Việt Nam khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời vào 2015. Mà động thái mới đây nhất là tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan cũng đã đạt được thỏa thuận về việc mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC VN).

Các doanh nghiệp (DN) Thái Lan đang có xu hướng "đổ bộ" vào Việt Nam khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời vào 2015. Mà động thái mới đây nhất là tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan cũng đã đạt được thỏa thuận về việc mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC VN).

Đẩy mạnh đầu tư trên nhiều lĩnh vực

Tính đến nay Thái Lan có trên 333 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 6,468 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; xếp thứ hai trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Lĩnh vực mà DN Thái quan tâm nhiều nhất là vật liệu xây dựng, xây dựng, thực phẩm và bán lẻ. Trong đó có những tập đoàn lớn rót hàng trăm triệu USD vào từ rất sớm như Siam Cement Group (SCG), Amata Corp, Charoen Pokphand (C.P)… cho đến nay đã gặt hái những thành công nhất định tại thị trường VN.

Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn SCG cho biết: SCG đầu tư tại VN từ năm 1992 và hiện đã có 19 công ty thành viên tập trung trong các lĩnh vực hóa dầu, giấy, bao bì, xi măng, vật liệu xây dựng với tổng giá trị tài sản hơn 615 triệu USD. Trong 6 tháng/2014 doanh thu từ hoạt động bán hàng đạt 6.178 tỉ đồng (tương đương 294 triệu USD), tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. SCG tin tưởng vào sự tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế Đông Nam Á và tiếp tục mở rộng hoạt động kinh trong đó Việt Nam là một địa điểm đầu tư quan trọng của tập đoàn.

Trước cả SCG và Amata Corp, Charoen Pokphand Group (C.P.) đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1988 dưới hình thức mở văn phòng kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam là nước đầu tiên Amata Corp hướng đến sau thành công với các khu công nghiệp mang thương hiệu Amata tại Thái Lan. C.P. Việt Nam hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm. Không chỉ sản xuất, C.P Việt Nam còn có chuỗi cửa hàng thực phẩm C.P. Fresh Mart và chuỗi thức ăn từ thịt gà Five Star Chicken để phục vụ người tiêu dùng VN.

Theo ông Sontaya Sakullawan, Giám đốc Trung tâm xúc tiến công nghiệp khu vực 10 (Cục Xúc tiến công nghiệp Thái Lan), cùng với các ngành sản xuất công nghiệp, hoạt động đầu tư của các DN Thái Lan tại VN còn đặc biệt hướng mạnh vào lĩnh vực bán lẻ.

Điển hình tháng 6/2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam và đổi tên thành Bs Mart. Chuỗi Bs mart (70% hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan) sẽ tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa Thái Lan .

Mới đây nhất BJC cũng đã đạt được thỏa thuận về việc mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC VN). Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).

Hay Tập đoàn Central (nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan) đã khai trương Trung thương mại Robins tại Hà Nội vào tháng 3/2014 và sẽ mở trung tâm thứ hai tại khu thương mại Crescent Mall (khu đô thị Phú Mỹ Hưng- TP HCM) vào tháng 11/ 2014 sắp tới. Đây cũng là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào VN.

Nhiều cơ hội để Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Thái Lan

Ông Rutch Soratana - Phó Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP HCM- nhấn mạnh: Môi trường đầu tư cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và các địa phương đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư Thái Lan khi chuyển hướng đến làm ăn tại Việt Nam. Ngoài ra, tiềm năng nhân lực của Việt Nam cũng được đánh giá cao khi nguồn nhân lực rẻ hơn Thái Lan, có đội ngũ lao động đông đảo với 69% dân số trong độ tuổi từ 15 đến 64. Đặc biệt, 2 nước lại rất gần về mặt địa lý.

Dù các nhà đầu tư Thái Lan cũng đang bị lực hút từ thị trường Myanmar nhưng nhiều DN Thái Lan vẫn đặt trọn niềm tin vào Việt Nam, bởi tại đây có hai điểm mạnh vượt trội. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đã từng rất khả quan và tình hình vẫn đang tiến triển tương đối ổn định. Thứ hai, Việt Nam là cửa ngõ để các DN bước vào 3 thị trường quan trọng khác là Lào, Campuchia và miền nam Trung Quốc. Với sự gắn kết rất gần về vị trí địa lý đó có thể tiếp cận không chỉ đơn thuần trong 90 triệu dân, mà con số sẽ lớn hơn rất nhiều tại khu vực Đông Nam Á khi quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến rất gần.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn:Vinanet