menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu cá ngừ và cá tra - Thay đổi để phát triển bền vững

16:01 13/08/2014
Cá ngừ và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản, nhưng trong mấy năm nay kim ngạch xuất khẩu bị sụt giảm ở hầu hết những thị trường chính của hai mặt hàng này.

Cá ngừ và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản, nhưng trong hai năm 2012 – 2013 kim ngạch xuất khẩu bị sụt giảm ở hầu hết những thị trường chính của hai mặt hàng này. Với công nghệ khai thác, sản xuất, bảo quản và qui trình kiểm tra chất lượng của các tổ chức nước ngoài chuyển giao, ngành thủy sản cùng các địa phương đang tích cực hỗ trợ ngư dân cũng như doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm để khôi phục lại thị trường xuất khẩu.

  • Mốc mới cho xuất khẩu cá ngừ

Sáng 8/8/2014, những con cá ngừ đại dương đầu tiên do ngư dân Bình Định đánh bắt theo công nghệ mới của Nhật Bản được Công ty cổ phần thủy sản Bình Định chuyển giao cho công ty Kato Office vận chuyển bằng đường hàng không đã được bán đấu giá tại chợ cá trung tâm thành phố Osaka – Nhật Bản. Toàn bộ 9 con cá ngừ đại dương đã có người mua, tuy nhiên mức giá có sự chênh lệch rất lớn.

Giá con cá ngừ cao nhất được bán với giá 2.100 yên/kg, tương đương 420.000 đồng, đây là mức giá cao so với mặt bằng chung ở Nhật Bản. Con cá ngừ thấp giá nhất chỉ được bán với giá 250 yên/kg, tương đương 50.000 đồng. Như vậy, mức giá trung bình của cá ngừ Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vào ngày 8/8/2014 là 1.200 yên/kg, tương đương 240.000 đồng.

Theo người mua cá Nhật Bản thì chất lượng tự nhiên của cá ngừ Việt Nam so với cá ngừ Nhật Bản không có sự chênh lệch lớn. Tuy nhiên, phương pháp xử lý cá ngừ tại Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn Nhật Bản nên giá bán chưa cao. Chẳng hạn con cá được bán với giá 250 yên/kg, tương đương 50.000 đồng đã được xử lý sai phương pháp nên thịt cá bị bở, không thể mang đem bán tại các nhà hàng. Trong khi con cá ngừ được bán với giá 2.100 yên/kg, tương đương 420.000 đồng được đánh giá cao.

Các chuyên gia Nhật Bản nhận định, ngư dân và các công ty thủy sản Việt Nam cần chú trọng cả phương pháp đánh bắt và xử lý tại thời điểm đánh bắt để cá đảm bảo chất lượng cao, bán được giá cao tại thị trường Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cá ngừ đại dương là nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất trong các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng từ năm 2012 đến nay, dù các doanh nghiệp luôn nỗ lực mở rộng thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ vẫn sụt giảm do giá xuất khẩu cá ngừ đang sụt giảm. Qua 5 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất sang được 86 thị trường, tăng 16 thị trường mới so với cùng kỳ năm 2013, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam giảm tới hơn 19% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 203,8 triệu USD.

Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ và ASEAN vẫn tiếp tục giảm qua các tháng. Thị trường EU sau 5 tháng cũng có tốc độ tăng trưởng ở mức rất thấp, 0,6% so với cùng kỳ năm 2013. Còn tại thị trường Nhật Bản, giá trị xuất khẩu cá ngừ qua từng tháng đầu năm đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm, nên tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn giảm hơn 60% so với 5 tháng năm 2013.

Vasep hy vọng việc tỉnh Bình Định hợp tác với Nhật Bản trong việc chuyển giao công nghệ khai thác cá ngừ và dự án đầu tư thí điểm tàu vỏ composite khai thác cá ngừ đại dương tại một số tỉnh Nam Trung bộ của Việt Nam theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật Bản sẽ là giúp cải thiện hiệu quả nghề khai thác cá ngừ của Việt Nam trong thời gian tới, từ đó giá trị cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ dần được cải thiện.

  • Chuẩn hóa cá tra xuất khẩu

Cá tra chiếm hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cho đến nay, cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 150 nước và vùng lãnh thổ với doanh thu trên 1,8 tỷ USD/năm, chiếm hơn 95% tổng trị giá xuất khẩu của ngành cá tra thế giới, trong đó thị trường Liên minh châu Âu (EU) chiếm 21% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Thế nhưng, từ năm 2011 tiêu thụ cá tra ở EU giảm mạnh do nhiều nguyên nhân đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành cá tra, buộc các bên liên quan trong ngành phải tìm giải pháp duy trì và phát triển ngành theo hướng bền vững hơn trên thị trường EU nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung. Khủng hoảng kinh tế tại EU và Việt Nam, cạnh tranh từ các loài cá khác và cạnh tranh chính giữa các nhà xuất khẩu Việt Nam, thông tin bôi nhọ về sản xuất cá tra là những nguyên nhân chính dẫn đến giảm tiêu thụ cá tra. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận trong nhiều năm qua ngành thủy sản chưa có các biện pháp và giải pháp hiệu quả và đồng bộ để giải quyết các vấn đề của ngành.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc và khó khăn cho ngành cá tra để tiếp tục duy trì và phát triển, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm cải thiện toàn bộ chuỗi giá trị cá tra bằng Nghị định 36/2014/NĐ-CP với những qui định chặt chẽ về chất lượng cá tra xuất khẩu, qui hoạch lại việc nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra philê.

Trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2014, vào ngày 6/8, dự án “Thiết lập chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA) do Ủy ban châu Âu tài trợ, VASEP, Diễn đàn cá tra Việt Nam và các đối tác của SUPA (Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam, WWF Việt Nam, WWF Áo) hợp tác với Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) đã tổ chức “Diễn đàn Cá tra Việt Nam – Vietfish 2014” với chủ đề “Phát triển bền vững cá tra tại thị trường châu Âu”.

Cùng với nỗ lực từ Chính phủ, các đối tác của SUPA trong dự án dài hạn tại Việt Nam và EU đã đặt mục tiêu đến năm 2020 việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra Việt Nam phải an toàn, thân thiện với môi trường, bền vững về kinh tế và xã hội. VietGAP đang bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong qui trình nuôi cá tra với các qui định đầy đủ về phát triển bền vững, tương đương với các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC. VietGAP sẽ là qui định bắt buộc trong nuôi cá tra Việt Nam bắt đầu từ 1/1/2016.

Để hạn chế tình trạng không kiểm soát được sản lượng và giá xuất khẩu cá tra Việt Nam, các nhà nhập khẩu đề nghị Việt Nam cần có nghiên cứu và tổng hợp thông tin về tình hình khai thác cá thịt trắng (cá Alaska pollack, cá cod, tilapia…) trên toàn thế giới để có thể ấn định sản lượng cá nuôi hàng năm. Bên cạnh đó, Việt Nam xây dựng lại hình ảnh cá tra dựa trên những cam kết về chất lượng, sự minh bạch trên cơ sở của qui định về ghi nhãn hàng hóa, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Trung tâm xúc tiến TM HCM

Nguồn:Tin tham khảo